Các nhà khoa học cho biết quá trình thụ phấn sinh sản ở thực vật diễn ra phức tạp và "nhiều lực đẩy" như bất cứ một loài động vật nào khác.
[presscloud]4510[/presscloud]
Các nhà khoa học tại Đại học McGill University ở Montreal, Canada đã thực hiện một thí nghiệm thú vị về quá trình sinh sản, thụ phấn của cây xanh bằng cách gắn một camera siêu nhỏ vào nhụy một bông hoa.
Theo kết quả nghiên cứu, ống thụ phấn phải vượt qua rất nhiều chướng ngại vật để đến buồng trứng nằm sâu trong mô thực vật.
Những ống thụ phấn hay còn gọi là cơ quan sinh dục của cây này là những tế bào phát triển nhanh nhất trong thế giới thực vật, tăng tới 2cm hoặc gấp 500 lần kích thước ban đầu của chúng trong một giờ.
Không giống như các loài động vật, tinh trùng của cây nằm trong ống thụ phấn không thể di chuyển nên các ống phấn hoa có chức năng dẫn tinh trùng đến thẳng vị trí của trứng.
Nhưng trong khi các nhà khoa học đã nắm được toàn bộ cấu trúc của một ống phấn hoa, cách chúng di chuyển và định hướng vẫn còn là một bí ẩn sinh học.
Sử dụng vi mạch mới, nhóm nghiên cứu của trường đại học ở Canada phát hiện ra rằng các ống phấn có thể chuyển hướng khi gặp phải vật cản.
Việc ống thụ phấn thay đổi cả kích thước và hướng di chuyển cho thấy các tế bào theo một số cách có thể “cảm nhận” và phản ứng với các đối tượng trong môi trường của chúng.
Lực đẩy do các ống thụ phấn tạo ra tương đối lớn, tương đương với áp suất không khí trong lốp xe ô tô.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Anja Geitmann cho biết: “Nhờ công nghệ microchip trên phòng thí nghiệm, chúng tôi đã có thể quan sát và đo lường chính xác những gì đang xảy ra trong ống phấn khi chúng sinh sản".
“Thật thú vị khi có thể nhìn thấy quá trình này và nó khiến chúng tôi có rất nhiều câu hỏi thú vị về sự sinh sản của cây”.
Thu Phương (Theo DailyMail)