Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao test nhanh COVID-19 có vạch mờ, vạch đậm? Cách hạn chế "dương tính giả" khi test nhanh

(DS&PL) -

Kết quả test nhanh COVID-19 xảy ra trường hợp vạch mờ, vạch đậm khiến mọi người hoang mang không biết rằng mình có mắc bệnh hay không.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp là mọi người hoang mang, lo lắng và một trong những cách để kiểm tra nhanh nhất là sử dụng test nhanh COVID-19 tại nhà.

Thời điểm cần test nhanh COVID-19

Theo Trung tâm hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để tránh lãng phí, tránh đầu cơ, đẩy giá bán, người dân sử dụng test nhanh trong các trường hợp sau đây:

Đối với người xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm COVID-19: sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp…

Đối với người được xác định là F0: Xét nghiệm test nhanh kháng nguyên COVID-19 sau thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày. Người bệnh có thể tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện từ xa.

Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định; và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine theo quy định. Tại thời điểm này có thể xét nghiệm bằng test nhanh.

Đối với người được xác định là F1: Nếu F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1, thì test nhanh COVID-19 tại thời điểm xác định là F1, và sau khi thực hiện đủ cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú.

Nếu F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thì test nhanh COVID-19 tại thời điểm xác định là F1 và sau khi thực hiện đủ cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú.

Nhiều người dân lo lắng quá mức đã thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 hằng ngày. Lưu ý, việc test nhanh hằng ngày không giúp khỏi bệnh nhanh hơn, và cũng không rút ngắn thời gian cách ly, theo Thanh Niên.

Vì sao test nhanh COVID-19 có vạch mờ, vạch đậm?

Nếu kit test nhanh cho hai vạch, bất kể màu đậm nhạt, bạn nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe bởi bạn đã bị nhiễm bệnh. Theo TS Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Đại học Johns Hopkins, có nhiều nguyên nhân khiến vạch T bị mờ như tải lượng virus thấp, độ nhạy của kit…, theo Tri thức trực tuyến ghi nhận.

Các chuyên gia cho rằng vạch T mờ có thể cho thấy tải lượng virus của bạn thấp. Thời điểm tải lượng virus đạt đỉnh cũng là lúc hai vạch đậm nhất (khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 8). Tại thời điểm ngày thứ 1 và 10, vạch T có thể mờ dần. Trong giai đoạn ủ bệnh và sau ngày thứ 14, kit test nhanh có thể chỉ còn một vạch C.

Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh điều này không chính xác hoàn toàn và độ đậm nhạt bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Độ nhạy của test nhanh cũng không bằng rRT-PCR nên dễ xảy ra sai số. Chỉ test rRT-PCR mới xác định được chính xác tải lượng virus của một người.

Ngoài ra, trên các kết quả test nhanh, vạch mờ hay đậm không nói lên được người mắc đang bị bệnh nặng hay nhẹ. Đặc biệt, test nhanh âm tính chỉ mang ý nghĩa nguy cơ lây nhiễm của F0 thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó, người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe, đo SpO2 đủ 10 ngày.

Những lưu ý khi test nhanh COVID-19 tại nhà

BS Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khuyến cáo, người dân nên mua các loại test nhanh kháng nguyên nằm trong danh sách công bố của bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi test nhanh hiển thị 2 vạch bên cạnh chữ C và chữ T, nghĩa là mẫu bệnh phẩm dương tính. Nếu chỉ hiển thị 1 vạch bên cạnh chữ C, nghĩa là âm tính. Với nhiều loại que test khác nhau, màu hiển thị của vạch có thể là đỏ, xanh, hoặc đen. Tuy nhiên, ý nghĩa không thay đổi.

Trong một số trường hợp, vạch ở chữ T không rõ ràng, mờ, nhạt, khiến người dân lo lắng, không chắc chắn về độ chính xác. Nhiều mẫu test còn bị nhòe ở vùng hiển thị, cũng không thể xác định kết quả âm hay dương tính.

Khi lấy mẫu, tùy theo mỗi bộ kit test sẽ phải thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu hoặc dịch mũi. Dịch tỵ hầu và dịch mũi có thao tác lấy mẫu khác nhau, độ sâu của que thử cũng khác nhau. Do đó việc đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì bộ kit test rất quan trọng.

Người dân cần lưu ý, khi nhỏ dung dịch chứa mẫu bệnh phẩm vào khay đựng, phải đặt trên mặt phẳng, không lắc nghiêng, không sốt ruột và tác động đến mẫu test.

Mẫu test nhanh phải chờ đủ thời gian để cho kết quả đúng. Thời gian này được ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng của mỗi bộ kit test khác nhau, thông thường từ 15-30 phút. Nếu 2 vạch xuất hiện sau khung thời gian trên bao bì hướng dẫn, rất có thể là dương tính giả.

Bên cạnh đó, điều kiện bảo quản mẫu, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm cũng ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm nhanh.

Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp, khay thử không hiện cả vạch C và T, hoặc chỉ hiện vạch T thì kết quả này không có giá trị. Lúc này, người dân phải thực hiện lại xét nghiệm nhanh theo đúng hướng dẫn hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được hỗ trợ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý: test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 thường có nhiệt độ bảo quản từ 2 - 30 độ C.

Khi sử dụng test tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng, tuyệt đối không sử dụng bộ kit test đã hết hạn. Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, theo Vietnamnet.

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật