Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao hai cô gái trẻ miền Tây chấp nhận lấy chồng Trung Quốc để được 80 triệu đồng?

(DS&PL) -

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch, hai người Trung Quốc đã đến tỉnh Vĩnh Long và tổ chức lễ cưới trái phép với hai cô gái trẻ ở địa phương.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch, hai người Trung Quốc đã đến tỉnh Vĩnh Long và tổ chức lễ cưới trái phép với hai cô gái trẻ ở địa phương. Trong lúc lễ cưới được diễn ra theo kiểu cho có lệ để “rước nàng về dinh” thì ngành chức năng tiến hành lập biên bản vi phạm. Từ đây, hé lộ nhiều sự thật bất ngờ.

80 triệu, một cuộc đời

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Lê Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc huyện Tam Bình cho biết, hơn một tuần trước, hai cô gái trẻ N.T.N.N., 22 tuổi và C.K.C., 25 tuổi, ngụ cùng xã Mỹ Lộc, đến UBND xã xin xác nhận tình trạng độc thân rồi tự tổ chức lễ cưới với hai người Trung Quốc là anh Yang Minghui, 30 tuổi và anh Lu Quan Cheng, 27 tuổi. Sau đó, ngành chức năng phát hiện, ngăn chặn vì tổ chức lễ cưới trái phép và tiến hành lập biên bản vi phạm.

Trong cái nắng như đổ lửa, PV đã tìm đến nhà “cô dâu” 22 tuổi N.T.N.N. cách trụ sở UBND xã Mỹ Lộc khoảng 5km. Trong căn nhà trống hoác, bà P.T.T., 61 tuổi, bà ngoại của N. ngồi trên võng sờn cũ đang dỗ đứa cháu gái nhỏ ngủ giấc trưa.

N. đang trao đổi với phóng viên.

Bà T. cho biết, N. cùng mẹ đi phụ đám giỗ cho một người họ hàng. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về lễ cưới của N. mà dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua, bà T. không ngần ngại chia sẻ, do nhà nghèo, không đất canh tác nên N. chấp nhận “hy sinh” lấy chồng ngoại để mong thay đổi cuộc sống.

Trước một ngày diễn ra lễ cưới, phía đại diện “chàng rể” người Trung Quốc có trao cho gia đình 80 triệu đồng. Theo bà T., số tiền trên là để tổ chức lễ cưới cho cháu gái và mua sắm những thứ cần thiết.

“Gọi là đám cưới, chứ thực chất là chỉ đãi có mấy bàn, người đến dự toàn là họ hàng nhà gái. Trong lúc lễ cưới diễn ra thì ngành chức năng phát hiện, lập biên bản vì kết hôn trái quy định pháp luật. Tôi thì thất học, có hiểu gì đâu nên cứ tổ chức đại cho cháu, đến khi ngành chức năng giải thích thì tôi mới biết gia đình vi phạm”, bà T. phân trần.

Kết hôn qua mai mối

Bà T. cho biết thêm, việc N. lấy chồng Trung Quốc đã khiến bà và người thân trong gia đình khóc hết nước mắt. Bởi, bà chỉ có một đứa cháu ngoại là N., đứa cháu gái này vốn bất hạnh từ bé. Lúc lên 2 tuổi, cha N. bỏ đi biền biệt, bà phải gồng gánh làm thuê làm mướn nuôi N. khôn lớn.

Gia cảnh quá nghèo, N. chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ, lớn lên đi làm công nhân rồi nhân viên phục vụ cho các quán ăn. Tiền kiếm được, hàng tháng cháu đều gửi hết về cho gia đình trang trải cuộc sống nhưng vẫn không thoát được nghèo.

“Gần đây, qua mai mối từ một người đàn ông tên là Biển (chưa rõ họ và nơi cư trú), N. và một người Trung Quốc quen nhau. Người này có nhiệm vụ lo toàn bộ thủ tục giấy tờ và còn hứa lấy chồng Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống. Trong khoảng thời gian tìm hiểu tiến tới hôn nhân, ông Biển có đến nhà tôi đôi lần. Còn thanh niên Trung Quốc Yang Minghui cũng ở lại với gia đình nhiều ngày liền cho đến khi lễ cưới diễn ra”, bà T. kể lại.

Bà T. (ngoại N.) cho biết, việc tổ chức lễ cưới với người Trung Quốc gia đình được nhận 80 triệu đồng. 

Trong lúc bà T. đang thuật lại chuyện đám cưới thì N. về. Ngồi cạnh hiên nhà, mắt hướng về nơi xa, N. lí nhí nói: “Ngoài em ra còn có chị C., người cùng xã cũng được chú Biển giới thiệu, mai mối lấy chồng Trung Quốc. Tuy nhiên, sau lễ cưới trái phép thì chị C. đã đi TP.HCM, không có ở địa phương. Em và chị C. chỉ mới quen qua việc lấy chồng Trung Quốc nên không biết nhiều về hoàn cảnh chị ấy”.

Khi được hỏi về suy nghĩ khi quyết định về cuộc đời mình, N. chia sẻ: “Việc lấy chồng Trung Quốc em cũng đã trao đổi với gia đình và được sự đồng ý. Giữa em và Yang Minghui cũng đã tìm hiểu và được biết, “chồng” tương lai làm nghề thợ hàn, nhà có hai anh em. Riêng việc tổ chức lễ cưới trái luật thì em không biết, bởi họ bảo sẽ lo mọi thủ tục giấy tờ nên khi cơ quan chức năng có mặt lập biên bản thì em mới biết là vi phạm. Giờ em cũng không biết phải tính sao”.

Theo hồ sơ mà PV có được cho thấy, Yang Minghui có hộ khẩu thường trú tại thôn Lý Điểm, thị trấn Vấn Dương, TP.Phì Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Yang Minghui đến gia đình của N. ở nhiều ngày liền.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Tiền, Trưởng ấp nơi N. sinh sống khẳng định, người đàn ông Trung Quốc này không đến đăng ký tạm trú tại địa phương. Sau khi việc đám cưới trái phép bị phát hiện, người này đã rời đi.

Theo chính quyền địa phương, trước tình trạng trên, ngành chức năng không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức phòng, chống mua bán người, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, trang bị kỹ năng về phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền trong các xã nghèo.

Dù đã có không ít trường hợp lấy chồng ngoại theo hình thức tương tự đã phải trả giá đắt. Tuy nhiên, vì cuộc sống nên người dân bất chấp, sẵn sàng đánh đổi bằng cả mạng sống của mình khi kết hôn mà không biết rõ gì về nhân thân, lai lịch của người chồng ngoại.

Thanh Lâm

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 80

Tin nổi bật