Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ án "lạ lùng nhất miền Tây": Hơn 7 năm đi kiện để đòi tiền... con heo cưới

(DS&PL) -

Thương hàng xóm khó khăn, bà Nàng đồng ý bán chịu con heo 130kg với lời hứa sau đám cưới sẽ trả tiền. Song, chẳng ngờ nó đã dẫn đến một vụ kiện kéo dài cả mấy năm trời.

Thương tình người hàng xóm khó khăn, người đàn bà đơn chiếc đồng ý bán chịu con heo 130kg với lời hứa hẹn sau đám cưới sẽ được trả tiền. Tuy nhiên, chẳng ngờ nó đã dẫn đến một vụ kiện tụng kéo dài cả mấy năm trời.

Quỵt tiền heo của người đàn bà đơn chiếc

Vụ việc hi hữu xảy ra tại Khu vực Đông Bình (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Theo đó, trước ngày cưới con trai vài ngày, vợ ông Trần Văn Quận (tổ 21, Khu vực Đông Bình), đến nhà bà Đặng Thị Nàng (sinh năm 1957) cùng khu mua heo về làm đám. Người này trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin giúp đỡ được mua heo chịu tiền, sau khi làm đám xong sẽ hoàn trả. Bởi là chỗ xóm giềng, bà Nàng thương tình đồng ý bán chịu heo, làm phước cho gia đình ông Quận.

Hai hôm sau, khi bà Nàng đi vắng, chỉ có đứa “con nuôi” của bà ở nhà, ông Quận trực tiếp đến bắt heo. Lúc này, ông Quận lựa con heo bự nhất đàn heo 16 con trong chuồng heo của bà Nàng. Con heo này to lớn, rắn chắc, thịt da tươi hồng, nặng tới 130kg. Sau khi được con nuôi bà Nàng và người thân trong họ của bà đã cân heo, ông Quận cùng người nhà khênh heo về. Giá trị con heo là 5.330.000 đồng vào thời điểm đó. Ông Quận thiếu nợ hết số tiền này.

Về phần bà Nàng, sau khi giúp đỡ người hàng xóm, cứ đinh ninh rằng sau đám cưới của con, vợ chồng người hàng xóm sẽ mang trả tiền heo. Thế nhưng, chờ gần 1 tuần, vẫn chẳng thấy vợ chồng ông Quận đến. Bà Nàng sốt ruột sai con nuôi đi hỏi nợ. Đến nơi, con bà nhận được câu trả lời tỉnh queo của vợ ông Quận rằng, đã trả đủ tiền mua heo. Dùng dằng hỏi mãi suốt 2 tháng sau vẫn không lấy được nợ, bà Nàng làm đơn thưa bày sự việc ra chính quyền địa phương để được giải quyết. Nhận đơn, chính quyền địa phương đã gửi giấy mời tới hai bên, nhưng trong 3 lần được mời lên làm việc, vợ chồng ông Quận không hề tới.

Bà Đặng Thị Nàng kể về vụ việc hy hữu bị ông hàng xóm quỵt tiền heo.

Thi hành án “bó tay”

Sau lần thứ ba không “mời” được ông Quận, chính quyền địa phương đã làm biên bản chuyển sự việc sang TAND quận Thốt Nốt xử dân sự. Tại đây, khi có mặt cả hai bên, Tòa tiến hành hòa giải. Ông Quận thừa nhận việc mua heo chịu của bà Nàng. Vụ việc được phán xử, ông Quận phải trả số tiền mua heo của bà Nàng là 5.330.000 đồng, tính thêm 400 ngàn đồng tiền lãi. Tổng số tiền 5.730.000 đồng ông Quận phải có trách nhiệm trả làm hai lần: “Ngày 30/12 ông Quận phải trả 2.865.000 đồng, ngày 15/2 năm sau phải trả nốt 2.865.000 đồng còn lại cho bà Nàng".

Tiếp đó, bà Nàng làm đơn và đóng tiền án phí cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Thốt Nốt để được “thu hồi” số tiền nợ từ ông Quận. Tuy nhiên, có lẽ đơn vị thi hành án cũng “bất lực” trong việc thi hành bản án. Đơn vị này “đòi” mãi, ông Quận mới nộp được 200 ngàn đồng (bằng đúng số tiền án phí bà Nàng phải nộp-PV) để trả tiền heo cho bà Nàng. Sau đó, ông này “lơ” luôn chẳng nộp thêm một ngàn đồng nào nữa.

“Tui được cán bộ thi hành án mời lên nhận 200 ngàn đồng ông Quận trả, trong khi con heo của tôi đáng giá mấy triệu bạc nên tôi không nhận. Giải quyết không được, bên thi hành án phát cho tôi một tờ biên bản để trống, biểu tôi về rình xem hễ nhà ông Quận mua đồ đạc gì thì điền vào đó rồi “tố” với họ. Để họ đi “xử lý” cái ông ăn quỵt ngang ngược kia. Trời ơi, tôi bị ăn cướp trắng trợn như thế, giờ biểu tôi đi rình mò “kẻ cướp” của mình như đứa ăn trộm, mà thời gian hơi sức đâu mà rình cho đặng. Xử lý gì mà kỳ cục vậy”, bà Nàng rầu rĩ nhớ lại.

Lần giở đống giấy tờ cũ, bà Nàng đưa ra Biên bản giải quyết việc thi hành án ngày 21/6/2010, của chi cục Thi hành án dân sự quận Thốt Nốt trả lời về vụ việc bị “quỵt heo” của bà. Nội dung thể hiện, cơ quan thi hành án dân sự quận Thốt Nốt đã tiến hành lập thủ tục giải quyết. Trong quá trình giải quyết, đương sự Quận không tự nguyện thi hành án cho nên chấp hành viên cơ quan này đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đương sự.

Theo đó, cơ quan thi hành án khẳng định chính quyền địa phương đã xác nhận ông Quận chưa có điều kiện thi hành án. “Do vậy hôm nay bà Nàng liên hệ yêu cầu thi hành án dứt điểm thì chưa thi hành án dứt điểm được. Vì đương sự Quận chưa có điều kiện thi hành án. Đồng thời hôm nay chi cục Thi hành án dân sự Thốt Nốt báo cho bà Nàng là đương sự Quận chưa có điều kiện thi hành án”, trích văn bản nêu trên.

Trước kết quả xử lý đó, bà Nàng đưa ra Quyết định số 17/QĐ.THA của chi cục Thi hành án dân sự quận Thốt Nốt do Chi Cục trưởng Nguyễn Hoàng Minh ký. Nội dung trả lại đơn yêu cầu thi hành án của bà Đặng Thị Nàng. “Bà Đặng Thị Nàng có quyền yêu cầu thi hành Bản án, Quyết định số: 140/QĐ ST-DS ngày 20 tháng 11 năm 2008 khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án”. Bà cho rằng, cơ quan này “bất lực” nên đã ra quyết định “đánh đố” bà như vậy.

“Làm phước phải tội”

Qua tìm hiểu, hoàn cảnh của bà Nàng vốn đơn chiếc, không có gia đình riêng. Thủơ trẻ, do quá lứa lỡ thì, bà ở vậy cùng cha mẹ. Sau này, người cha cho bà một mảnh đất nhỏ, cất căn nhà tạm sinh sống. Bởi không có ruộng, vườn bà lấy nghề làm mướn kiếm sống. Sau, bà mở nghề làm đậu phụ, nấu rượu và nuôi heo.

Thấy bà chịu khó, tính tình hiền lành, bà con chòm xóm rất thương mến.“Ngày gia đình ông Quận cưới con, bà Nàng thương tình bán chịu heo cho đặng mà làm đám. Ai ngờ, thấy bà tốt tính nhà ông Quận rắp tâm ăn quỵt luôn tiền con heo. Người ta đơn chiếc, vất vả cực như vậy. Còn nhà ổng đông người, con cái trưởng thành, sức dài vai rộng cả. Lại có đứa con gái gả ở Đài Loan, có tiền có của mà nỡ quỵt nợ của người phụ nữ đơn thân”, một người hàng xóm bày tỏ.

“Bị hại” uất ức kể, việc nuôi heo của bà rất vất vả. Mỗi ngày bà đều cho heo ăn 3 bữa, dậy từ 5h sáng để chăm sóc heo. Vừa đi chợ bán đậu, về nhà lại bận bịu nấu rượu, chăm lo cho đàn heo, tối ngày bà Nàng bận bịu như con mọn. Năm đó, cực nhọc suốt nửa năm, bà chăm được đàn heo thịt 16 con, con nào con nấy béo tốt, da thịt hồng hồng nhìn rất “ngọt mắt”. Định bụng, bán heo xong bà vay mượn thêm cất ngôi nhà tường ở cho sạch sẽ. Chẳng ngờ, người hàng xóm mua con heo bự nhất đàn, “ngầy ngậy” nhất đàn lại quỵt luôn số tiền giá trị hơn 5 triệu đồng. Vì vậy, bà phải hoãn việc xây nhà vào thời điểm đó lại.

Uất ức hơn, dù được giúp đỡ khi túng thiếu, thậm chí ra tòa ông Quận kêu khó khăn, bà Nàng cũng đồng ý cho trả tiền heo làm 2 lần. Nhưng ông này vẫn “trầy bửa” không trả. Việc “làm phước phải tội” chẳng được một lời cảm ơn, mà còn phải đi hầu kiện đòi tiền khiến bà Nàng buồn rầu.

Tìm hiểu, hoàn cảnh gia đình ông Quận không đến nỗi bần cùng, không thể hoàn trả tiền heo. Vợ chồng ông này có 4 người con, có thuyền chở trấu đi bán. Khi về già, các con lập gia đình ra ở riêng. Có một người con gái lấy chồng Đài Loan, cuộc sống kinh tế khá giả. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, sau khi làm đám cưới cho con, ông Quận dư một khoản tiền lớn. Một người hàng xóm nói: “Ông ấy dư dả sau đám cưới con trai là cái chắc. Nghe đâu, chi phí làm đám thì ít, mà mấy trăm khách chung vui, nhiều người mừng lớn lắm. Rồi, người bán rượu cho đám cưới nhà ổng không lấy tiền. Người cho thuê phông bạt, nấu cỗ thuê cũng không lấy tiền luôn. Chẳng biết họ thương ổng, hay sợ ông quỵt nên không lấy tiền. Còn chuyện mua heo chịu của bà Nàng, có lẽ ông ấy không muốn trả, chứ đặng mà muốn trả thì sao lại không lo nổi vài triệu bạc mà trả”.

Một người khác trong khu vực lại phân tích: “Nhờ bà Nàng giúp đỡ bán chịu heo ông ấy mới làm được đám cưới cho con. Nếu ổng không trả cho bà Nàng, thì đáng nhẽ vợ chồng người con ông ấy nên đứng ra mà trả. Nhờ người ta giúp đỡ chúng nó mới làm đám cưới được, vậy mà 6 năm rồi chúng nó ngó lơ luôn là sao. Cư xử như vậy có đặng tình người hay không?”. Khi chúng tôi đến nhà tìm gặp, ông Quận không có nhà. Một người con của ông cho biết, hiện ông đang bị bệnh đau chân, ở bên nhà vợ bé ở nơi khác sinh sống. Lâu lâu ông mới ghé về nhà. Người này cho rằng, không biết gì về sự việc mua chịu con heo, đợi ông Quận về giải quyết.

Kỳ Tây

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

Tin nổi bật