Đổi tên, đổi màu sắc chủ đạo
Ngày 23/10 tới đây có thể xem là dấu mốc quan trọng của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã chứng khoán: PGB).
PGBank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 23/10.
Thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị, PGBank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Đại hội sẽ thảo luận và lấy ý kiến đại biểu để thông qua các nội dung gồm: kiện toàn nhân sự; tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của PG Bank và phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021– 2025 trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.
Như vậy, sau nhiều đồn đoán và các diễn biến, biến động liên quan đến nhiều nhóm cổ đông như nhóm MSB (Ngân hàng Hàng Hải), nhóm Thành Công, thương vụ thoái vốn của Petrolimex theo chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Chính phủ đã có hồi kết. Hiện, Tập đoàn Thành Công và nhóm cổ đông liên quan đã nắm cổ phần chi phối tại ngân hàng này và trở thành ông chủ mới của PGBank.
Về tên mới của PGBank, báo Kinh tế & Đô thị dẫn nguồn tin riêng cho biết, PGBank đang có kế hoạch đổi tên thương mại dự kiến PGs Bank, chữ S trong chữ Supper. Một số thay đổi khác như màu chủ đạo trong nhận diện của ngân hàng sẽ chuyển từ màu cam sang màu nâu. Một số Chi nhánh, Phòng giao dịch của PGBank cũng đang thay đổi với màu nâu là chủ đạo. Sự thay đổi màu đồng phục của cán bộ công nhân viên cũng diễn ra tương tự.
Theo một số nhân viên của PGBank, Tập đoàn Thành Công và PGBank đến giai đoạn hiện tại đã được coi là “người một nhà”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, mối quan hệ giữa 2 doanh nghiệp này đã không còn “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nữa mà dần được công khai qua những chương trình hợp tác.
Đơn cử, hiện, PGBank đang triển khai chương trình vay vốn ưu đãi dành cho khách hàng trải nghiệm dòng xe Hyundai Palisade.
3 cổ đông lớn liên quan Tập đoàn Thành Công
Trước đó, ngày 11/9, PGBank công bố 3 cổ đông lớn mới xuất hiện là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty CP Quốc tế Cường Phát, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức. 3 cổ đông này đều có mối liên quan với Tập đoàn Thành Công.
Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã mua vào 39,3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,099% cổ phần có quyền biểu quyết tại PGBank. Trong khi đó, Công ty CP Quốc tế Cường Phát và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức lần lượt nhận chuyển nhượng 40,6 triệu và 40 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,541% và 13,359% vốn điều lệ nhà băng này. Ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn tại PGBank của 3 doanh nghiệp là 31/8/2023.
Cả 3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua về 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.
Các tân cổ đông lớn của PGBank đều có mối quan hệ "dây mơ rễ má" với Tập đoàn Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Cường Phát có Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Văn Mạnh. Doanh nhân sinh năm 1981 này từng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.
Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân (SN 1973). Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do Công ty CP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn. Việt Hưng là một thành viên của Thành Công Group, được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Thành Công (60%), Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty. Ông Nguyễn Tiến Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.
Về tình hình kinh doanh, theo báo Dân trí, 6 tháng đầu năm, PGBank lãi trước thuế hơn 303 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 57% mục tiêu sau nửa đầu năm.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của PGBank giảm hơn 2.000 tỷ đồng còn 46.987 tỷ đồng, tương đương mức giảm 4,1% so với cuối năm trước. Số dư tiền gửi của khách hàng giảm nhẹ 0,1%, đạt 31.228 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu PGBank đạt mức tối thiểu theo quy định 3.000 tỷ đồng, thấp nhất hệ thống.
Vân Anh (T/h)