Đó là câu hỏi được đặt ra tại buổi họp báo thông tin về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 10/10.
Chi 18.500 tỷ chỉ để giải phóng mặt bằng
Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào kỳ họp Quốc hội bắt đầu vào cuối tháng 10 tới đây.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã giới thiệu sơ bộ về dự án và khẳng định: "Dự án mới dừng ở bước báo cáo tiền khả thi. Nếu được Quốc hội thông qua về chủ trương, chúng tôi sẽ xây dựng báo cáo cụ thể hơn".
Trong dự án xây sân bay Long Thành, chủ đầu tư cho biết dự kiến chi 18.500 tỷ chỉ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. |
Thông tin thêm, ông Hùng cho biết, việc giải phóng mặt bằng toàn bộ 5000 ha sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 của dự án, chia thành hai phân kỳ. Trong đó, phân kỳ 1, tổng diện tích 2.565,4 ha sẽ được giải tỏa để xây dựng công trình giai đoạn 1a. Phân kỳ 2 phần sẽ giải tỏa phân diện tích còn lại là 2.434,6 ha.
Bộ GTVT sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Nai xem xét cho người dân địa phương được tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Hùng, dự án xây sân bay Long Thành là một dự án lớn, có tác động không nhỏ tới nền kinh tế xã hội, vì vậy toàn bộ kinh phí để giải phóng mặt bằng và đền bù sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Dự kiến tổng số kinh phí chi cho việc giải phóng mặt bằng sẽ rơi vào khoảng 18.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Hùng cũng cho hay, khái quát tổng mức đầu tư toàn bộ Giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khoảng 7,84 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng).
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc vốn ở đâu để xây sân bay Long Thành khiến dư luận băn khoăn trong những ngày vừa qua, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN - Chủ đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành cho biết dự án sẽ được xây dựng dựa trên nguồn vốn vay ODA nhà nước do các nhà đầu tư đứng lên "tự vay và tự trả".
Cũng theo thông tin mà ông Hùng cung cấp thì qua tính toán sơ bộ, việc đầu tư sân bay Long Thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
"Đáng đầu tư"
Trước những băn khoăn về việc nguồn tiền ở đâu để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, GS Lã Ngọc Khuê, chuyên gia phản biện dự án nhấn mạnh rằng, tiền ở đâu cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc xác định dự án có đáng để ưu tiên đầu tư hay không.
“Lấy tiền ở đâu để đầu tư là vấn đề nhiều người quan tâm. Nhưng tôi thì cho rằng quan trọng dự án có xứng đáng để ưu tiên đầu tư hay không? Mọi người không nên cào bằng các dự án. Phải xem đâu là dự án mang tầm chiến lược. Chúng ta nên quan tâm dự án này cần tháo gỡ như thế nào chứ không chỉ là vốn ở đâu?” – GS Lã Ngọc Khuê đặt vấn đề.
GS Lã Ngọc Khuê cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là một dự án cần thiết để dầu tư. Ảnh: GTVT |
Cho rằng đây là một dự án cần thiết để đầu tư, GS Lã Ngọc Khuê phân tích rất rõ ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, xét về tình thế thì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, dẫn đến ùn tắc đô thị của TP.HCM. Sân bay Tân Sơn Nhất kết nối hoàn toàn bằng hệ thống giao thông đô thị chứ chưa phải hệ thống giao thông quốc gia, có phần chồng lấn lên sân bay Biên Hoà nên dẫn đến tổn thất kinh tế.
Thứ hai, tất yếu về phát triển. Hàng không đang bùng nổ, kinh tế hội nhập. Hàng không Châu á, hàng không VN tăng trưởng liên tục 2 con số. Sắp tới, mở cửa bầu trời, hàng không giá rẻ.
Mô hình vận tải của hàng không thế giới là dùng sân bay trung chuyển, các sân bay khác là vệ tinh. Đây là xu thế của thế giới.
Nếu chúng ta cứ mãi thế này, liệu chúng ta có tránh được việc trở thành vệ tinh cho những vùng khác không? Chúng ta có chậm chân không? Bài học xương máu trong ngành GTVT là vì không có cảng biển trung chuyển quốc tế, hàng hoá đội giá lên 2 lần. Nếu chúng ta chậm chân, chúng ta sẽ phụ thuộc.
Thứ ba, việc chuyển từ Tân Sơn Nhất sang Long Thành sẽ mở ra cửa mở mới. Long Thành có hệ thống đường bộ quốc gia, 4 - 5 tuyến đường quốc gia, đường sắt quốc gia. Điều này tạo nên động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Vấn đề không chỉ là giảm tải cho Tân Sơn Nhất mà là tạo nên cửa mở mới cho phía Nam.
“Với những lý lẽ trên, tôi khẳng định, đây là dự án đáng đầu tư. Có thể thấy rõ nếu ta gọi đầu tư vào đường sắt, vào tàu điện ngầm đô thị còn khó chứ gọi đầu tư nước ngoài vào Long Thành thì rất nhiều đối tác quan tâm, tại sao người ta muốn đầu tư, vì có khả năng thu hồi vốn, vì hấp dẫn. Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là cú lật cánh ngoạn mục để ta phát triển” – GS Khuê khẳng định.
Trước những thắc mắc về việc vay ODA để xây sân bay Long Thành có tăng nợ công hay không, vay có trả được không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016- 2019; dự kiến chỉ vào khoảng 0,091\% vào năm 2022.
“Kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1\%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10\% đến 12\%) nên dự án có khả năng trả nợ tốt.
Thực tế đã chứng minh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính tốt, doanh nghiệp vay lại vốn ODA được Chính phủ luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn (cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Nội Bài”, ông Trường nhấn mạnh.