Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vàng miếng SJC tăng giá "dựng đứng", ai được lợi?

  • Vân Anh (T/h)
(DS&PL) -

Giá vàng miếng SJC đang tăng giá điên cuồng khi cán mốc 90 triệu đồng/lượng. Trong cơn “sốt” giá này ai là người hưởng lợi?

Đổ xô mua vàng khi giá lập đỉnh

Theo chuyên trang An ninh Tiền tệ, sáng 10/5, giá vàng trong nước tăng dựng đứng. Giá vàng SJC chính thức vượt mốc 90 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn 24k cũng vọt mạnh thêm 1 triệu đồng mỗi lượng.

Cụ thể tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua lên 88,2-90,5 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử. Trước đó, trong ngày 9/5, giá vàng SJC tại đây đã tăng 2 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng nhẫn hôm nay cũng tăng vọt với mức tăng 1 triệu đồng/lượng lên 74,3-76,0 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC chính thức vượt 90 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn trơn tăng dựng đứng

Bảo Tín Minh Châu cũng tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả vàng SJC lẫn vàng nhẫn trơn 24k. Hiện hai loại vàng này lần lượt được niêm yết 88,35-90,45 triệu đồng/lượng và 75,02-76,52 triệu đồng/lượng. 

Trước đó, ngày 9/5, người dân đổ xô đi mua vàng khi giá lập đỉnh. Theo báo VnExpress, tại Hà Nội, lúc 16h, nhiều cửa hàng kín khách chờ, dù trời mưa tầm tã. "Anh có giấy hẹn không? Nếu anh tới mua vàng thì mai quay lại, cửa hàng đã hết hàng", nhân viên bảo vệ một tiệm lớn trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), nói với khách đội mưa đến mua.

Theo nhân viên này, lượng vàng trong cửa hàng chỉ đủ cho những người đang ngồi chờ đến lượt, nên họ đành từ chối khách mới.

Trong tiệm, hàng dài người ngồi xếp hàng tới lượt, tràn cả lối đi. Bà Hoa, 62 tuổi, cho biết đến mua vì "thấy giá đang tăng cao". Có ít tiền tiết kiệm, gửi ngân hàng lãi thấp nên bà rút ra để mua vàng.

"Mọi người nói giá tăng không nên mua, nhưng mấy hôm trước Ngân hàng Nhà nước đấu thầu hơn 86 triệu đồng mỗi lượng, tôi nghĩ vàng sẽ còn lên", bà nói.

Suy nghĩ của bà Hoa cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng. "Giá ngày càng nóng, tôi sợ không mua luôn thì mai còn tăng", Thúy Hiền, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy cho biết. Hiền xin nghỉ làm, đội mưa đến mua vàng từ 15h. Cô nói thấy "may mắn" vì được ngồi chờ, chỉ đến chậm vài phút là phải về.

Đối diện bên kia đường, cửa hàng của PNJ cũng thông báo hết vàng miếng, nhẫn trơn 24K. "Tiệm còn vài chỉ trang sức. Loại này khách phải trả thêm tiền công chế tác 150.000 đồng", nhân viên nói.

Trên đường Xã Đàn (Hà Nội), nhân viên một cửa hàng cho biết, khách phải đặt trước nếu muốn mua số lượng lớn trên 10 lượng và chờ một tuần hoặc nửa tháng vì "đang khan hàng lắm".

Ai được lợi khi giá vàng tăng cao?

Từ ngày Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu vào 23/4, mặt hàng này tái diễn tình trạng "một mình một chợ", liên tục tăng nhanh hơn so với thị trường quốc tế. Mục tiêu đấu thầu tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch giá với thế giới đang gặp thách thức trong ngắn hạn.

Báo VTC News dẫn lời ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân.

“Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào - bán ra lớn.

Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra lớn”, ông Linh nói.

Ông Linh cho biết thêm, câu chuyện đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt được thị trường. Nguyên nhân ông Linh chỉ ra, bản thân giá đấu thầu cao nên không thể bình ổn thị trường. Nếu muốn hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước phải bán giá thấp hơn thị trường.

“Vàng phải nhập ảnh hưởng đến tỷ giá nên Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc. Hiện giá thị trường 89 triệu đồng/lượng. Nếu Ngân hàng Nhà nước bán 80 triệu đồng/lượng cũng không thể hạ nhiệt. Đây là giá đỉnh trước khi vào đợt sóng tăng gần đây.

Trước thông báo đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn vàng thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng. Đến bây giờ, khoảng cách lên gần 18 triệu đồng/lượng”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, lúc đấu thầu ai cũng kỳ vọng có thể bình ổn giá vàng nhưng thị trường phản ứng ngược lại càng đấu càng tăng. Rõ ràng, doanh nghiệp trúng thầu đợt 1, 2 hiện bán ra lãi luôn trong cơn sóng vàng.

Ông Linh cho rằng, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường bán ra khoảng 40 - 50 tấn vàng. Tuy nhiên, thời điểm đó bình ổn được bởi lãi suất huy động lúc đó cao. Thời điểm này, thị trường vàng khó bình ổn bởi lãi suất tiết kiệm thấp và các kênh đầu tư khác không hấp dẫn nên người dân tìm đến vàng với kỳ vọng giá vàng còn tăng nữa.

Trước câu hỏi về sự tăng giá “vô lý” của vàng miếng SJC, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank cho rằng, chỉ có thể là do tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư. Giá vàng tăng đi ngược với giá thế giới.

“Trong quá khứ cũng xảy ra tương tự nhưng thường cơn sóng vàng này chỉ diễn ra vài ngày hoặc cùng lắm vài tuần chứ không thể đi ngược với giá thế giới được lâu”, ông Khánh nói.

Vì vậy, ông Khánh khuyên nhà đầu tư không nên mua vào thời điểm này sẽ gặp rủi ro lớn.

Tin nổi bật