Theo An ninh Tiền tệ, sáng 10/5, tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua lên 88,2-90,5 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử. Trước đó, trong ngày 9/5, giá vàng SJC tại đây đã tăng 2 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng nhẫn hôm nay cũng tăng vọt với mức tăng 1 triệu đồng/lượng lên 74,3-76,0 triệu đồng/lượng.
Sáng nay (10/5), giá vàng miếng SJC chính thức vượt 90 triệu đồng/lượng
Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng nhẫn tăng 1 triệu đồng/lượng lên 75,05-76,55 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng SJC tăng nhẹ lên 86,8-88,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn đáng kể so với SJC.
Trước đó, trong ngày hôm qua, bất chấp trời mưa tầm tã, nhiều người dân ở Hà Nội đã đội mưa đi mua vàng. Sản phẩm được người dân mua nhiều nhất là vàng nhẫn. Cuối ngày hôm qua, đã có một số cửa hàng tại Trần Nhân Tông và Cầu Giấy, nơi được nhiều người coi là trung tâm mua bán vàng của Hà Nội, công bố hết sạch vàng nhẫn.
Khách muốn mua vàng nhẫn phải trở lại vào ngày hôm sau. Cá biệt có chuỗi cửa hàng còn đề nghị khách mua vàng nhẫn cọc tiền và sẽ chỉ nhận được hàng sau từ nửa tháng đến một tháng vì vàng nhẫn hết sạch trên toàn hệ thống.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân.
“Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào - bán ra lớn.
Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra lớn”, ông Linh nói.
Ông Linh cho biết thêm, câu chuyện đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt được thị trường. Nguyên nhân ông Linh chỉ ra, bản thân giá đấu thầu cao nên không thể bình ổn thị trường. Nếu muốn hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước phải bán giá thấp hơn thị trường.
“Vàng phải nhập ảnh hưởng đến tỷ giá nên Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc. Hiện giá thị trường 89 triệu đồng/lượng. Nếu Ngân hàng Nhà nước bán 80 triệu đồng/lượng cũng không thể hạ nhiệt. Đây là giá đỉnh trước khi vào đợt sóng tăng gần đây.
Trước thông báo đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn vàng thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng. Đến bây giờ, khoảng cách lên gần 18 triệu đồng/lượng”, ông Linh nói.
Theo ông Linh, lúc đấu thầu ai cũng kỳ vọng có thể bình ổn giá vàng nhưng thị trường phản ứng ngược lại càng đấu càng tăng. Rõ ràng, doanh nghiệp trúng thầu đợt 1, 2 hiện bán ra lãi luôn trong cơn sóng vàng.
Ông Linh cho rằng, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường bán ra khoảng 40 - 50 tấn vàng. Tuy nhiên, thời điểm đó bình ổn được bởi lãi suất huy động lúc đó cao. Thời điểm này, thị trường vàng khó bình ổn bởi lãi suất tiết kiệm thấp và các kênh đầu tư khác không hấp dẫn nên người dân tìm đến vàng với kỳ vọng giá vàng còn tăng nữa.