Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vận tải hành khách hậu giãn cách: Doanh nghiệp “thấm đòn”

(DS&PL) -

Do dịch Covid-19 nhiều nhà xe phải ngừng hoạt động mấy tháng nay, vậy mà khi rục rịch trở lại thì giá xăng lại tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, thời điểm này ngành vận tải còn gặp rất nhiều khó khăn.

Giá xăng dầu tăng đã tác động tiêu cực đối với hoạt động vận tải

Vận tải khách đường bộ đã chính thức hoạt động trở lại được hơn tháng. Thế nhưng từng đó thời gian cũng đủ cho các doanh nghiệp vận tải “thấm đòn” để hiểu rằng, chặng đường phía trước sẽ còn vô vàn khó khăn, thách thức. Đó thực sự là một cuộc chiến sinh tồn.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh Nguyễn Duy Ninh (chủ sở hữu nhà xe Ninh Quỳnh) cho hay: “Giờ được phép chạy lại thì chúng tôi không thể không chạy dù biết rõ càng chạy sẽ càng lỗ. Không chạy sợ mất lốt, mất khách quen nhưng càng chạy càng lo. Chưa bao giờ vận tải khách đường bộ lại ế ẩm như hiện nay”.

Ông Nguyễn Duy Ninh khẳng định, với tình trạng vắng khách trong thời gian qua, ngay cả khi xăng dầu chưa tăng giá, các nhà xe đã phải chịu lỗ bởi giá vé bán ra không thể bù lại chi phí mà DN phải bỏ như lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, phí đường bộ... Với việc giá xăng dầu tăng phi mã trong thời gian qua, chắc chắn nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ không thể cầm cự được.

Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đang sống “thoi thóp”.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách tuyến Hà Nội – Vinh cũng cho biết, hiện nay hãng chỉ duy trì vận tải hàng hóa, chưa chạy vận tải hành khách. Do vậy, gần 15 xe giường nằm vẫn yên vị tại bến. Trong thời điểm chuẩn bị hoạt động lại, thì gặp cảnh xăng tăng phi mã, doanh nghiệp chỉ âm thầm chịu thôi chứ biết kêu ai.

Theo Nghị quyết 128, các địa phương được lên phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, nhưng nhiều hãng vận tải chưa dám hoạt động vì nhu cầu đi lại chưa cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi chuẩn bị mở lại tuyến, đúng thời điểm giá xăng tăng cao, không khác gì nhà xe gặp cú đấm bồi, khốn cùng hơn.

Tài xế xe công nghệ Đặng Văn Hiệp, cho biết xe mới chạy lại được hơn tuần nay nhưng khách không nhiều, còn giá cước cũng do hãng quyết định trên hệ thống, giờ giá xăng tăng thì chỉ đổ hết gánh nặng lên người lái xe. Tài xế này cũng cho biết trước đây đổ đầy bình xe Honda Civic đời 2012 chỉ hết 1 triệu tiền xăng, nhưng nay giá xăng tăng phải đổ hơn 1,1 triệu đồng.

Quan sát các bến xe lớn tại Hà Nội những ngày vừa qua có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng vắng vẻ, đìu hiu xuất hiện ở mọi nơi. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, dù vận tải khách liên tỉnh đã được hoạt động trở lại được khoảng một tháng nay nhưng các xe hoạt động tại bến vẫn rất vắng khách.

Thống kê sơ bộ, hiện lượng xe vào bến chỉ đạt khoảng 10%, tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày. Thậm chí vẫn có nhiều nhà xe dù đăng ký hoạt động song chưa hoạt động lại hoặc hoạt động cầm chừng vì không có khách.

Tương tự, tại Bến xe Nước Ngầm, lãnh đạo bến xe này cho hay, hiện trong sân chỉ có khoảng gần 30 xe khách hoạt động thay vì hơn 200 xe như trước. Dù đã giảm phí bến bãi để hỗ trợ phần nào nhưng những nhà xe hoạt động rất ít khách và đã có nhà xe xin tạm thời bỏ lốt.

Cứu thị trường vận tải bằng cách nào?

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm giá xăng dầu sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu thị trường vận tải khách đường bộ vào lúc này. Để giảm được giá xăng dầu, Nhà nước có thể tính tới sử dụng 2 công cụ là là Quỹ Bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Không ít đơn vị đang phải hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã “đắp chiếu” vì không có khách, không có hàng để chạy. Việc giá xăng dầu tăng đã tác động tiêu cực đối với hoạt động vận tải hành khách đường bộ vốn đã rất lao đao như hiện nay bởi chi phí xăng, dầu luôn chiếm tới 35 - 40% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

"Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15 - 20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng" - ông Bùi Danh Liên khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, kịch bản giá năng lượng trên thị trường quốc tế tăng đã được dự báo từ trước, do vậy giá xăng dầu trong nước cũng đã nằm trong kịch bản sẵn có. Trong khi đó, lượng xăng dầu thành phẩm cũng phải nhập khẩu khoảng 30 -35%, chưa kể doanh nghiệp còn nhập dầu mỏ về để chế xuất thành xăng dầu. Như vậy giá xăng dầu trong nước tăng khi nền kinh tế thế giới có tín hiệu phục hồi lạc quan là tất yếu. Việc xả quỹ bình ổn giá xăng dầu như doanh nghiệp mong muốn là không nên. Chưa kể trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý là liên bộ Tài chính – Công Thương cũng đã nhiều lần xả quỹ bình ổn, như vậy tốc độ tăng giá xăng trong nước thực chất không còn sốc như giá xăng dầu thế gới.

“Doanh nghiệp vận tải và cả nền kinh tế phải chấp nhận thực tế giá xăng dầu trong nước biến động để tìm cách thích nghi”- ông Thịnh nói.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó chồng khó, xe không chạy được mà xăng dầu tăng giá vùn vụt, TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, cách giúp doanh nghiệp hợp lý nhất là giảm tải các chi phí cho doanh nghiệp, chẳng hạn như phí cầu đường, phí BOT. Trực tiếp hơn là với những doanh nghiệp vận tải liên tuyến, đường dài giảm bớt chi phí xét nghiệm, giảm giá các bộ test. Và quan trọng hơn là chính các doanh nghiệp vận tải phải hướng tới sử dụng các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, an toàn với môi trường.

Đề xuất xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Tp.Hà Nội kiến nghị việc cho phép xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm.

Đề xuất xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm.

Theo đó, từ ngày 14/10, xe buýt Hà Nội được hoạt động trở lại với 50% công suất chạy xe được Sở GTVT phê duyệt. Sau 1 tháng hoạt động trở lại, công tác tổ chức vận hành các tuyến buýt được đảm bảo an toàn và tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch.

Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 10 trở lại đây, lượng hành khách đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều hành khách phải chờ đợi lâu mới có thể đón được xe buýt do yêu cầu giãn cách trên xe để phòng chống dịch (xe chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/xe tại một thời điểm).

Tần suất dịch vụ thưa từ 15-60 phút/lượt dẫn đến nhiều trường hợp hành khách phải chờ đợi lâu và chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội đề nghị Tp.Hà Nội cho phép xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất vào khung giờ cao điểm nhằm phục vụ người dân đi lại bằng xe buýt được thuận tiện hơn. Cụ thể là từ 6h đến 9h và 16h đến 20h.

Trao đổi với ĐS&PL, ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hà Nội cho rằng nên linh hoạt và tạo điều kiện hơn nữa trong việc mở lại các tuyến xe, đặc biệt là hoạt động của vận tải công cộng như xe buýt để thu hút dần lại nhu cầu đi lại của người dân, đối với những tuyến có nhu cầu cao thì phải nhanh chóng tăng tần suất khai thác để triệt để tận dụng cơ hội.

M.Q (T/h)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Số Thứ 5 (186)

Tin nổi bật