Thế giới dõi theo từng "nước cờ" của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 đã đánh dấu sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump sau 4 năm. Trong chiến dịch tranh cử lần này, vị tỷ phú hứa sẽ giải quyết một loạt vấn đề trong nước, bao gồm cả vấn đề nhập cư và lạm phát. Ông cũng phát tín hiệu quay trở lại chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết".
Vị tổng thống đắc cử cũng đưa ra những tuyên bố về việc có thể chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, mang lại hòa bình cho Trung Đông.
Mặc dù có thể có một khoảng cách nhất định giữa tuyên bố và hành động mà ông thực sự làm, nhưng các chuyên gia cảnh báo về cơ bản ông Trump nói là làm.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với vô số thách thức, từ biến đổi khí hậu đến các cuộc chiến ở Ukraine, Gaza và Li Băng, hướng đi của ông Trump trong chính sách đối ngoại sẽ có tác động sâu rộng.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Một trong những trọng điểm bàn luận của giới học thuật gần đây là tác động của nhiệm kỳ Tổng thống đắc cử Trump với khu vực Nam bán cầu.
Các cường quốc mới nổi ở Nam bán cầu như Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong nền chính trị thế giới.
Dẫn chứng chính là các Hội nghị thượng đỉnh gần đây của BRICS (tại Kazan 2024) và G20 (tại New Delhi 2023). Qua đó cho thấy sức ảnh hưởng của những “ngôi sao đang lên” tại Nam bán cầu trong tái cấu trúc hệ thống đa phương, khiến các siêu cường không còn là động lực duy nhất trong quan hệ quốc tế.
Trong nhiệm kỳ “Trump 1.0”, nhóm các nước Nam bán cầu chịu sức ép phải giữ khoảng cách trong quan hệ với Trung Quốc. Trong đó, New Delhi đã trở thành một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ thông qua cơ chế Bộ tứ (Quad). Trong lịch sử, New Delhi và Bắc Kinh tồn tại nhiều bất đồng khó giải quyết, căng thẳng biên giới giữa 2 nước cũng thường xuyên gây xáo trộn địa chính trị và an ninh khu vực Nam Á.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể dẫn tới căng thẳng ngoại giao, đặc biệt với Mexico, trong bối cảnh ông sẽ áp dụng cách tiếp cận đối đầu về vấn đề nhập cư. Nếu Mexico không gắn chặt lợi ích với Mỹ, nước này có thể đối mặt bất ổn địa chính trị nghiêm trọng. Nếu chính quyền mới của Washington giảm cam kết an ninh với Mexico, quốc gia Mỹ Latinh này sẽ cần tăng cường tự chủ quốc phòng.
Nhiệm kỳ “Trump 2.0” có thể khởi mào biến động kinh tế tại khu vực Nam bán cầu do lập trường theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ của vị tổng thống đắc cử.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đề cập việc gia tăng áp đặt thuế quan với hàng nhập khẩu vào Mỹ, vốn có thể ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, đồng thời tiềm ẩn nhiều hậu quả với lực lượng lao động và gây ra bất ổn thị trường, đặc biệt tại khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố không ủng hộ xe điện (EV) và khẳng định sẽ hủy bỏ các quy định bắt buộc về EV ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Ông Trump tuyên bố không ủng hộ xe điện (EV). Ảnh minh họa
Năm 2018, Washington đã phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh khi chính quyền Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hơn 250 tỷ USD. Điều đó đã thúc đẩy các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc.
Những giả thuyết và dự báo
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, nhưng riêng với hàng hóa Trung Quốc, mức thuế có thể lên tới 60%.Joshua Kurlantzick, một thành viên cấp cao về Đông Nam Á và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định ông Trump đã cho thấy lập trường "quyết đoán hơn" với Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử lần này. "Chúng ta thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra bây giờ", ông Kurlantzick nói.
Theo đó, tân tổng thống có thể sẽ tái khởi động thương chiến Mỹ-Trung. Căng thẳng giữa hai cường quốc có thể khiến các doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia khác ở Nam bán cầu.
Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ áp đặt lãi suất với hàng nhập khẩu quốc tế, hệ quả là nước này sẽ xảy ra lạm phát. Muốn đối phó vấn đề này, Washington sẽ cần điều chỉnh chính sách tài khóa để kéo lãi suất tăng. Điều này có thể gây xáo trộn dòng chảy thương mại toàn cầu, bởi đồng USD hiện được coi là thước đo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể khơi mào sóng ngầm biến động trong thị trường toàn cầu, khi Tổng thống đắc cử Mỹ được dự báo sẽ đảo ngược đường lối điều hành của người tiền nhiệm Joe Biden và tái áp dụng chính sách của nhiệm kỳ đầu tiên.
Phát huy khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết”, Washington có thể sẽ thu hẹp nguồn tài trợ cho các tổ chức quốc tế, cũng như khiến những đồng minh như Liên minh châu Âu đối diện thách thức kinh tế và chính trị.