Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cả nước đã ghi nhận 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều ca biến chứng nặng

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 6.243 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023.

Cũng trong tuần qua ghi nhận 33 ổ dịch sốt xuất huyết (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 15 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đống Đa, Ba Vì, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Phú Xuyên, Quốc Oai, Tây Hồ, Thường Tín. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 334 ổ dịch. Hiện còn 58 ổ dịch đang hoạt động.

Tuy nhiên CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch hằng năm.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần 46 (từ ngày 11 - 17/11) ở Thành phố ghi nhận 695 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 là 12.013 trường hợp. Hiện, Quận 1, TP.Thủ Đức và Quận 7 là những địa phương có số ca mắc trung bình trên 100.000 dân cao nhất Thành phố.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Số trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết liên tục gia tăng tại 4 bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị sốt xuất huyết trẻ em trên địa bàn Thành phố. Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tháng 10/2024, đơn vị tiếp nhận 397 ca sốt xuất huyết nhập viện. Nửa đầu tháng 11/2024, số ca điều trị nội trú lên tới 236 ca, theo báo Tin tức.

Các bác sĩ dự đoán, số ca nhập viện tiếp tục gia tăng trong vài tuần tới. Đặc biệt, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng trong vài tháng gần đây. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố.

Trước đó, một bé trai 2 tuổi (trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống thành công sau khi bị sốc sốt xuất huyết nặng. Trước đó, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ nhận định, bé trai sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, tim, thận và viêm tụy cấp nên phải dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu. Hơn một tháng điều trị tích cực, bệnh nhi mới thoát khỏi cửa tử.

Bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lưu ý, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ mắc sốt xuất huyết, kịp thời đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Khi bệnh trở nặng, các dấu hiệu thường thấy là sốt cao, bứt rứt, vật vã, đau bụng, nôn ói và xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp virus khác nhau

Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%.

Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Số trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết liên tục gia tăng tại 4 bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị sốt xuất huyết trẻ em trên địa bàn Thành phố.

Các chuyên gia y tế cho hay, những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết đó là:

Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.

Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác...nhưng chỉ là những yếu tố phụ.

Ngoài các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết ngành Y tế khuyến cáo là tìm diệt lăng quăng (bọ gậy), ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày…, người dân có thể tiêm vaccine phòng ngừa. Hiện, vaccine sốt xuất huyết được chứng minh là có thể giúp phòng bệnh đến 84%, giảm nguy cơ trở nặng hơn 90%. Đây được xem là “vũ khí” mới trong phòng ngừa sốt xuất huyết.

Cùng đó, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Đồng thời, người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng các sản phẩm khăn lau xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối. Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi.

Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Chế độ ăn uống hợp lý cùng với việc điều trị kịp thời sẽ giúp người mắc sốt xuất huyết nhanh chóng hồi phục sau khi mắc bệnh sốt xuất huyết.

Tin nổi bật