Những loại cá tốt cho sức khỏe
Cá béo giàu omega-3
Axit béo omega 3 có nhiều trong các loại cá béo và dầu. Chất này rất tốt cho tim và trí não. Chỉ cần tiêu thụ khoảng 113g hải sản có omega 3 mỗi tuần sẽ giảm được 36% nguy cơ mắc bệnh tim. Omega 3 cũng có tác dụng hạn chế rủi ro mắc các bệnh như đột quỵ và Alzheimer. Những loại cá dồi dào chất axit lành mạnh này bao gồm:
- Cá hồi: 100g cá hồi có tới 2,3g Omega 3, giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể, duy trì tính linh hoạt của động - tĩnh mạch, tăng cường cơ tim, giảm huyết áp và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Ngoài ra, cá hồi cũng rất giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu (sắt, canxi, phốt pho, selen và các vitamin A, D, B);
- Cá trích: Hình dáng thon dài, ít vảy, nhiều thịt và ít tanh. Đây là loài cá rất giàu chất dinh dưỡng, dầu trong cá trích chứa nhiều omega 3 có lợi cho trí não. Loại cá này có thể được hun khói và đóng túi để bảo quản lâu mà không mất nhiều giá trị dinh dưỡng;
- Cá cơm: Ngoài axit béo không bão hòa giúp cơ thể giảm cholesterol xấu và tốt cho tim mạch, cá cơm còn chứa nhiều protein và các vitamin E, D, A. Đây là loại cá rất gần gũi với người Việt và giàu dinh dưỡng, dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon;
- Cá mòi: Giàu chất béo lành mạnh và các loại vitamin thiết yếu. Cá mòi thường được bán dưới dạng đóng hộp, ngay cả xương và da cá mòi cũng có nhiều dưỡng chất. Cá mòi cung cấp nhiều chất béo và vitamin thiết yếu
Không phải loại cá nào cũng tốt cho sức khỏe.
Cá thịt nạc
Loại cá này nạc có rất nhiều protein và ít calo hơn cá béo. Trong mỗi khẩu phần 85g cá nạc chỉ chứa không đến 120 calo, nhưng lại cung cấp cho bạn khá nhiều protein. Một số loại điển hình là:
- Cá rô: Sống ở cả nước mặn và nước ngọt, thịt cá rô có vị ngọt, bổ dưỡng, giúp người ăn khỏe khoắn, bớt đau đầu nhức mỏi. Canh hoặc bánh đa cá rô đồng là món ăn rất tốt cho người vừa ốm dậy;
- Cá tuyết: Thớ thịt trắng, hương vị nhẹ, cung cấp photpho, niacin, chất béo và protein. Ngoài ra cá tuyết còn có vitamin B12, A, C, canxi và nhiều khoáng chất khác. Dầu chiết xuất từ gan cá tuyết có thể giảm thoái hóa sụn khớp, cũng như nguy cơ ung thư ruột kết;
- Cá bơn / Cá lưỡi trâu: Thịt có vị dịu ngọt và hơi béo, đặc biệt không có xương dăm. Loại cá này được người Nhật ưa chuộng vì làm tăng độ nhạy của trẻ trong giai đoạn phát triển trí não.
- Nếu bạn không thích ăn nhiều cá nhưng vẫn muốn thêm hải sản vào thực đơn của mình, thì cá rô và cá tuyết có thể là sự lựa chọn tốt. Chúng không có nhiều mùi tanh và dễ bị lấn át bởi hương vị của loại nước xốt yêu thích mà bạn dùng.
Những loại cá cần hạn chế ăn
-Cá thu vua: Nhìn chung, cá thu vua là một nguồn cung cấp omega-3 đặc biệt tốt, có thể trở thành một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng cá thu vua - nhất là những con đánh bắt ở vùng biển Thái Bình Dương - có hàm lượng thủy ngân cao. Các bác sĩ cho biết trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên tránh hoàn toàn loại cá này.
- Cá ngừ: Cũng giống cá thu, các loại cá ngừ đều chứa hàm lượng thủy ngân. Ví dụ, nên tránh ăn cá ngừ vây xanh và cá ngừ mắt to. Cá ngừ albacore và cá ngừ vây vàng không chứa nhiều omega-3, vì vậy bạn cũng không nên ăn chúng quá một lần một tuần. Bạn nên dùng cá ngừ ít béo đóng hộp tối đa ba lần một tuần để cung cấp protein tốt cho cơ thể.
- Cá chép bạc: Đây là loài cá nước ngọt phổ biến có đầu to hình bầu dục, thân màu trắng bạc. Cá chép bạc vị nhạt và có mùi tanh nồng nặc. Cá chép bạc có chế độ ăn hỗn hợp, bao gồm cá trắm cỏ, phân gà, phân bò và nhiều thành phần thối rữa khác, vì vậy nó được coi là loài tương đối bẩn.
- Cá rô phi: Cá rô phi nguồn gốc từ châu Phi, có khả năng sinh tồn cực kỳ mạnh mẽ trong môi trường nước biển hoặc nước ngọt. Nó ăn thực vật thối, phân, xác động vật... nên còn được gọi là cá rác. Do môi trường phát triển khắc nghiệt nên cá rô phi có thể chứa một lượng lớn kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác. Nếu muốn ăn cá rô phi, bạn nên chọn loại đánh bắt trong môi trường không ô nhiễm hoặc ăn cá được nuôi ở nơi đảm bảo vệ sinh nguồn nước.