(ĐSPL) - Liệu Trung Quốc có lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine trong các kế hoạch khu vực và toàn cầu, hay sẽ đứng ngoài cuộc?
|
Vai trò của Trung Quốc trong “ván bài Ukraine” |
Phương Tây ra sức lôi kéo Trung Quốc
Theo đài Tiếng nói nước Nga, vị thế của Trung Quốc có thể được làm rõ một phần qua chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Châu Âu, qua cuộc hội đàm của ông Tập với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong khuôn khổ Diễn đàn Hague về an ninh hạt nhân cũng như các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Pháp.
Báo chí phương Tây đưa tin Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande đang tính chuyện "lôi kéo lãnh đạo Trung Quốc". Các phương tiện truyền thông phương Tây viết rằng, sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc "gần như đã được quyết định" và chỉ còn chờ đợi vài thủ tục nhỏ.
Trong các cuộc gặp chính thức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ "có trách nhiệm" tái khẳng định cam kết trung thành các nguyên tắc "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", không quên 5 nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Bắc Kinh, tình trạng rối ren ở Tân Cương, Tây Tạng.
Phương Tây nhận thấy một thứ "bàn đạp chính trị" mà từ đó có thể tiếp tục phát triển quá trình "lôi kéo ông Tập" vào cuộc chiến chống Nga.
Bàn về các hợp đồng khí đốt tương lai mà Nga và Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ ký trong tháng Năm, nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Trung Quốc, một số tờ báo Anh kêu gọi Bắc Kinh không ký bất kỳ hợp đồng năng lượng nào nhằm giúp "phương Tây dân chủ" đánh bật "át chủ bài khí đốt" của ông Putin.
Kế hoạch ve vãn Trung Quốc dễ sụp đổ
Phải thừa nhận rằng trong quan điểm chính thức của Trung Quốc có tính chất “nước đôi”. Một mặt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về "những đặc thù lịch sử của Crimea”. Mặt khác, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết chống Nga liên quan đến Crimea và Ukraine.
Ban lãnh đạo Nga hiểu rằng Trung Quốc không thể làm khác được, khi có những lợi ích kinh tế đáng kể ở Ukraine và quan hệ kinh tế ràng buộc với Mỹ.
Tháng 12/2013, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Viktor Yanukovich đã ký các hợp đồng đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, bao gồm cả xây dựng cảng biển nước sâu của Trung Quốc ở Crimea mà giờ đây là một phần lãnh thổ của Nga.
Tuy nhiên, Brussels và Washington không nhận thức được rằng thực ra ông Tập Cận Bình mới là đối thủ lớn nhất của phương Tây, so với bất kỳ chính trị gia đương đại nào của thế giới đang phát triển. Bởi vậy, kế hoạch ve vãn Trung Quốc của Mỹ và Châu Âu rất dễ sụp đổ, chỉ là "hình thức".
Cái giá của sự hỗ trợ
Đối với Mỹ, việc để mất Sevastopol và Crimea là khởi đầu của thất bại địa chính trị nghiêm trọng trong cuộc đối đầu với Nga. Một số chuyên gia lưu ý rằng Mỹ bày trò biểu tình trên Quảng trường Maidan với dự kiến sẽ tổ chức tái thiết cơ sở quân sự ở Crimea và Sevastopol thành các căn cứ tên lửa và hải quân. Đột nhiên vào một ngày, ông Putin làm đảo lộn tất cả các kế hoạch của Mỹ. Để bù đắp cho thất bại chiến lược này, Mỹ sẽ tìm cách “đặt cược” vào Trung Quốc.
Theo Tiếng nói nước Nga, để lôi kéo Trung Quốc, Mỹ thậm chí có thể "nhắm mắt làm ngơ" trước việc Trung Quốc thâu tóm Đài Loan hay lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà báo chí Nhật Bản và một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về "nguy cơ phải một mình đối mặt với Trung Quốc ở Châu Á".
Hỗ trợ hay đẩy Nga đụng độ với Mỹ?
Các chuyên gia Trung Quốc không thống nhất về vấn đề này. Nhiều chuyên gia hàng đầu viết hiện thời Nga và Trung Quốc đang tạo thành một "vùng đệm chiến lược" chống lại sự mở rộng của phương Tây. Họ cho rằng phương Tây đang chuẩn bị "một cuộc cách mạng màu" tiếp theo ở Ukraine và nhiệm vụ của Trung Quốc là hỗ trợ Nga.
Một số ý kiến khác hoàn toàn trái ngược, đề nghị ban lãnh đạo Trung Quốc “tọa sơn quan hổ đấu”, “ngư ông đắc lợi” từ cuộc đụng độ Mỹ-Nga.
Những người đại diện của ý kiến này đã dẫn chứng chiến lược thành công của Mao Trạch Đông. Trong thời kỳ đối đầu Trung-Xô, Bắc Kinh đã khéo léo đẩy hai siêu cường vào đối đầu gay gắt.