(ĐSPL) - Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc đang bị đẩy vào thế bí vì không biết ứng xử như thế nào cho phải.
|
Khủng hoảng Ukraine đẩy Trung Quốc vào thế bí. |
Có lẽ vì thế mà Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết LHQ liên quan đến vấn đề Crimea, trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Giữa hai làn đạn"
Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã liên tục phát triển từ đầu những năm 1990. Trong năm qua, quan hệ giữa nước phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, trong năm 2013, Trung Quốc và Nga đã ký 21 hiệp định thương mại - trong đó có một thỏa thuận Nga cung cấp cho Trung Quốc 100 triệu tấn dầu. Trung Quốc cũng cam kết bơm 20 tỷ USD đầu tư vào các dự án ở Nga - tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông, đường cao tốc, bến cảng , sân bay... và hy vọng sẽ tăng đầu tư vào Nga lên gấp 4 lần vào năm 2020. Trong năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt 89 tỷ USD.
|
Điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Moscow. |
Trong thực tế, Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ chặt chẽ với Nga. Điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình là Moscow. Bất chấp sự tẩy chay của nhiều nguyên thủ quốc gia phương Tây và nguy cơ tấn công khủng bố, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đến dự lễ khai mạc của Thế vận hội mùa Đông ở Sochi. Cùng với Nga, Trung Quốc đang tìm cách thống trị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và không để cho Mỹ thiết lập quyền bá chủ ở khu vực cực kỳ quan trọng này.
Hơn nữa, trên cương vị thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga đã nhiều lần dựa vào nhau để phủ quyết các nghị quyết can thiệp quân sự hoặc trừng phạt kinh tế. Kể từ năm 2007, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết 6 lần và 5/6 các trường hợp đó, có lá phiếu ủng hộ của Trung Quốc. Có một điều chắn chắn là Trung Quốc sẽ không ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm kiềm chế và cô lập Nga . Nếu Mỹ và Liên minh Châu Âu đóng cửa với Nga, tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc-Nga sẽ tăng vọt.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã được cải thiện trong mấy năm qua và Bắc Kinh không thể dễ dàng hy sinh mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi" này. Hơn nữa, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đang tăng lên, với tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu trong năm 2013 đạt lần lượt 122 tỷ USD và 440 tỷ USD.
|
Bắc Kinh không thể hy sinh mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi" với Mỹ. |
Chính quyền Mỹ cũng đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc thông qua việc khai thác "chính sách không can thiệp" mà Trung Quốc đã sử dụng như một lý do để hạn chế sự tham gia vào công việc nội bộ của các nước trên thế giới. Các quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể nhìn nhận tình hình ở bán đảo Crimea thông qua lăng kính riêng để không ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trong nước. Thật vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể ủng hộ bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Nếu làm như vậy, Bắc Kinh có thể khuyến khích phong trào ly khai của người Tây Tạng, Mông Cổ và người Duy Ngô Nhĩ.
Vì vậy, Trung Quốc hiện đang lâm vào tình trạng khó xử. Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh không thể đứng về phía Washington, Brussels và Kiev, nhưng cũng không thế đứng về phía Moscow. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đang cố gắng tỏ ra trung lập và kêu gọi cả hai phía "tôn trọng luật pháp quốc tế".
Minh Đức (theo Russia Today)