(ĐSPL) - Cuộc khủng hoảng Ukraine đang ngày càng bị quốc tế hóa, lôi kéo thêm nhiều quốc gia vào quỹ đạo của nó.
Trong bối cảnh Châu Âu chỉ "trừng phạt hạn chế" vì không muốn tuyệt giao với Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải hướng về phía Đông.
|
Phương Tây thất bại trong việc cô lập Nga về Ukraine. |
Ngày 10/3, Tổng thống Obama đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine qua điện thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không thể thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc xét lại quan điểm của Bắc Kinh. Bắc Kinh cho rằng biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Moscow là không thể chấp nhận. Ông Tập Cận Bình nói: “Trong vấn đề Ukraina, phía Trung Quốc giữ quan điểm khách quan và công bằng. Tình hình ở Ukraine là vô cùng phức tạp, trong hoàn cảnh hiện tại tất cả các bên cần kiềm chế, tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng".
Quan sát viên Sergey Tomin của đài Tiếng nói nước Nga cho biết: "Nếu như lãnh đạo Trung Quốc từ chối gây áp lực đối với Moscow và diễn đạt một cách thận trọng hơn, thì dư luận báo chí Trung Quốc đi xa hơn nữa. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, họ công khai đứng về phía Nga. Tân Hoa Xã có một bình luận đáng chú ý, đại ý nói rằng "qua tấm gương Ukraine, người dân các nước khác trên thế giới lại một lần nữa được chứng kiến một quốc gia to lớn đã trở nên tan nát như thế nào vì những hành vi thô bạo và ích kỷ của phương Tây". Theo hãng thông tấn này, phương Tây chưa đánh giá đúng mức sự sẵn sàng của Nga trong việc bảo vệ lợi ích căn bản ở Ukraine.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng không có ý định vội vàng tham gia mặt trận chống Nga do Mỹ lập ra. Theo tuyên bố của Cố vấn anh ninh Thủ tướng Ấn Độ Shivshankar Menon, "Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraine". Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc trường đại học mang tên Nehru, ông Arun Mohanty, nhận xét: " Xuất phát từ lợi ích địa chính trị của mình, các nước phương Tây ủng hộ chính quyền bất hợp pháp Ukraine. Mục tiêu của họ là đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo của Moscow và làm giảm vị thế toàn cầu của Nga".
Theo quan sát viên Sergey Tomin của đài Tiếng nói nước Nga, quan điểm các đối tác chủ chốt của Moscow trong nhóm BRICS như Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy phương Tây đang thất bại trong việc cô lập Nga. Các trung tâm quyền lực kinh tế và địa chính trị trong thế giới hiện đại đang dịch chuyển từ Tây sang Đông. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các đối tác khu vực một lần nữa khẳng định về sự cần thiết phải tiến hành cải cách triệt để các tổ chức quốc tế và tước bỏ "độc quyền sự thật" của phương Tây.
Trong thời đại toàn cầu hóa, với sự phụ thuộc giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia với nhau ngày càng tăng, sẽ không có người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong cuộc chiến tranh lạnh mới, mà tất cả dều thất bại. Hy vọng rằng uy tín và trọng lượng địa chính trị của tam giác quyền lực Moscow-Bắc Kinh-New Delhi sẽ đóng vai trò ổn định trong cuộc khủng hoảng này.
Văn Linh