Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vạch mặt "thủ phạm” gây dậy thì sớm ở trẻ

(DS&PL) -

Số trẻ mắc dậy thì sớm ngày càng gia tăng, thậm chí có trẻ 18 tháng đã thành “người lớn” khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng.

Số trẻ mắc dậy thì sớm ngày càng gia tăng, thậm chí có trẻ 18 tháng đã thành “người lớn” khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm được nhiều chuyên gia cảnh báo có mối liên hệ đến nguồn thực phẩm chứa hormone, thức ăn nhanh, sữa...

“Sốc” khi nghe tin con dậy thì sớm vì nghiện đồ ăn nhanh

Chị Nguyễn Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mới đây khi phát hiện cô con gái 6 tuổi có những dấu hiệu bất thường về chiều cao, cân nặng, chị đã đưa con đến phòng khám tư của bác sĩ chuyên khoa nội tiết khám và được chẩn đoán dậy thì sớm. Mới 6 tuổi nhưng con gái chị Hương đã nặng 40kg và món ăn ưa thích của cháu là xúc xích, đồ ăn nhanh. Tại phòng khám, chị Hương đã “ngã ngửa” khi được bác sĩ bật mí những món mà con gái chị “nghiện” là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm.

Thức ăn nhanh, “thủ phạm” gây dậy thì sớm ở trẻ?

Không chỉ riêng chị Hương mà rất nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng khi biết thông tin dậy thì sớm có mối quan hệ mật thiết với nguồn thực phẩm. Chị Minh Tâm (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ, chị đang phải đưa con xuống viện Nội tiết Trung ương để điều trị do dậy thì sớm. Chị cũng không ngờ rằng việc cho con ăn vặt nhiều đã khiến con đối mặt nguy cơ dậy thì sớm.

Cậu con trai của chị Tâm mới 7 tuổi nhưng phổng phao như một thanh niên, cháu bé nặng 56kg.

“Do bố mẹ đi làm suốt, nên mỗi lần đi học về, cháu tự mở tủ lạnh, có gì ăn nấy. Nhiều khi mình cũng không để ý đến cân nặng của cháu. Gần đây thấy cháu xuất hiện ria mép, cân nặng tăng bất thường và kêu mệt mỏi trong người, tôi mới cho con đi tư vấn dinh dưỡng. Bác sĩ kiểm tra đường máu thấy cao bất thường nên gửi cháu xuống điều trị tại bệnh viện Nội tiết Trung ương”, chị Tâm nói.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết-Chuyển hóa- Di truyền (bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay: Trong số những nguyên nhân gây dậy thì sớm thì yếu tố hàng đầu là môi trường, nội tiết, bệnh lý u não, vấn đề dinh dưỡng, béo phì... là có. Trẻ béo phì thường có nguy cơ dậy thì sớm cao.

Thực phẩm chứa chất nguy hiểm nào gây dậy thì sớm?

Trước thông tin trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, uống sữa sẽ dậy thì sớm, PGS. Hoàn khẳng định: “Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định thức ăn nhanh trực tiếp gây ra dậy thì sớm. Thực phẩm ăn nhanh (thịt rán, thịt nướng, xúc xích..., được chiên rán nhiều dầu mỡ ở nhiệt độ cao khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất béo, làm gia tăng lượng mỡ thừa, từ đó gây rối loạn nội tiết tố nên khiến trẻ bị dậy thì sớm. Các bậc cha mẹ cũng lưu ý những loại thực phẩm tăng trọng không được kiểm soát (nhất là thịt của những con vật cần có sự vỗ béo nhanh như: Gia súc, gia cầm nuôi tăng trọng...) đều có nội tiết tố”.

Trao đổi với PV, TS. Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Những chất được phép sử dụng trong chăn nuôi nếu dùng quá liều cũng gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Việc người chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng, các hormone cấm gây rối loạn chuyển hóa, dẫn đến hiện tượng tích nước ở con vật.

Điển hình, một số chất hormone tăng trưởng như: Beta-agonist, clenbuterol, salbutamol, Procaterol, tebutaline, dobutamine... hay các chất kháng sinh, các nguyên tố vi lượng thường tồn dư trong thực phẩm. Khi đó, nếu trẻ ăn phải thức ăn còn chứa những tồn dư của chất này sẽ gây rối loạn chuyển hóa, kích thích rối loạn trao đổi chất (ví dụ: Bé gái sẽ mọc ria mép, chân tay mọc lông như con trai-PV)”.

Một chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, hầu hết những loại trái cây, rau quả trái mùa xanh tươi, chín đẹp đều sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kích thích ra hoa kết quả và thuốc ép chín trái mùa sẽ gây dậy thì sớm. Với các loại thực phẩm đóng hộp thường chứa chất tạo màu (phtalanats) hiện đã bị cấm sử dụng do nếu sử dụng ở hàm lượng cao sẽ có tác dụng như hormone giới tính, gây ra hiện tượng dậy thì sớm.

Theo PGS. Hoàn: “Bộ Y tế cần có kiểm định và lấy mẫu ngẫu nhiên các loại thực phẩm, thức ăn nhanh để xét nghiệm đưa ra cảnh báo cho người dân. Để hạn chế dậy thì sớm, cách tốt nhất cha mẹ nên theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ để có chế độ ăn phù hợp, đặc biệt lưu ý đến nguồn thực phẩm sạch. Nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm như chất đạm, chất béo, ngũ cốc và vitamin- khoáng chất. Những thực phẩm giàu chất đạm, chất béo cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn”.

N.Giang

Tin nổi bật