Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vạch mặt thủ đoạn làm mỹ phẩm giả, bán thực phẩm chức năng rởm trên mạng

(DS&PL) -

Hàng nghìn gói mỹ phẩm và thực phẩm chức năng rởm bán trên mạng internet khiến nhiều người tiền mất tật mang.

Hàng nghìn gói mỹ phẩm và thực phẩm chức năng không nguồn gốc bán trên mạng khiến nhiều người tiền mất tật mang.

Mua hàng trên mạng hiện đã trở thành thói quen nhưng liên tiếp những vụ việc phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra gần đây khiến nguồi ta phải cẩn trọng mỗi khi chọn mua hàng.

Sôi nổi "sản xuất" hàng để tiêu thụ trên mạng

Ngày 7/5, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội do Đội Quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) chủ trì tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) tại số 45, ngõ 9, Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng nghìn gói mỹ phẩm không nguồn gốc.

Cơ quan chức năng thu hồi mỹ phẩm và thực phẩm chức năng không nguồn gốc tại cơ sở ở Hoàng Cầu. Ảnh VTC News

Anh Nguyễn Văn B (SN 1994) chủ cơ sở khai nhận, cơ sở này đã dùng xilanh để bơm từ các túi nguyên liệu vào các chai lọ và gắn nhãn mác. Mặt hàng được cơ sở này sản xuất là các loại thực phẩm chức năng, serum cả dạng uống và dạng bôi. Nguồn nguyên liệu nhập từ nhiều nguồn trên mạng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Phương thức tiêu thụ là bán hàng ở trên mạng rồi chuyển đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Khi có nhiều khách muốn đặt hàng thì chủ cơ sở thuê thêm nhân công làm việc. Các sản phẩm được được vận chuyển bằng các công ty chuyển phát nhanh. Mỗi sản phẩm bán ra thị trường có giá từ 200.000 đồng đến 300.000đồng.

Trước đó, ngày 12/3, tổ Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã thu giữ gần 4.000 hộp mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bao gồm 1.500 hộp kem dưỡng da nhãn hiệu Bamila, loại 45 gram/hộp; 2.300 hộp kem dưỡng da nhãn hiệu Laneige Sparkling Party, loại 15 gram/hộp, trên bao bì sản phẩm thể hiện do nước ngoài sản xuất, mới 100%. Được biết số hàng này đang trên đường chuyển về Hà nội tiêu thụ.

Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết chỉ tính riêng trong quý 2/2017, họ đã đã kiểm tra và phát hiện hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hầu hết các sản phẩm này đều được rao bán qua mạng xã hội và các website thương mại điện tử. Nổi bật như vụ thu giữ 14.000 mỹ phẩm, TPCN giá trị hàng chục tỷ đồng mỹ phẩm của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam. Các sản phẩm được ghi là sản xuất tại New Zealand, Úc... nhưng thực tế đều là hàng giả.

Phong phú chiêu trò câu khách mỹ phẩm, TPCN online

Hiện nay số người dùng mạng xã hội (Facebook, Zalo) để bán hàng online ngày càng tăng mạnh. Trong số đó có cả nhân viên văn phòng, viên chức, giáo viên, sinh viên và cán bộ về hưu...

Lợi nhuận cao, nhu cầu lớn khiến thị trường kinh doanh mỹ phẩm và TPCN năng trên mạng vô cùng nhộn nhịp.

Trong các mặt hàng bán online thì mỹ phẩm, TPCN là một trong những mặt hàng phổ biến bậc nhất. Nắm bắt nhu cầu làm đẹp của hàng triệu chị em phụ nữ, không chỉ các công ty mà nhiều cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ cũng dấn bước vào thị trường hấp dẫn này, tạo ra không khí “nhà nhà kinh doanh mỹ phẩm online, người người kinh doanh mỹ phẩm online”. Tuy vậy, chất lượng những sản phẩm này thì vẫn là dấu hỏi lớn.

Một đặc điểm của kinh doanh trên mạng là không cần mặt bằng nên chi phí giảm và nhờ đó chiết khấu cao hơn cho mạng lưới, và người trong mạng lưới lại bán cho người quen của mình. Vì thế giờ ngồi trên mạng người ta rất dễ mua từ thuốc ho, viên An cung ngưu hoàn, viên nở ngực, kem trắng da...

Nguyễn Thanh Vân, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Cứ thỉnh thoảng lên Facebook em lại thấy một người bạn tuyên bố sẽ bán mỹ phẩm online. Dù không biết nguồn gốc thực sự như thế nào nhưng em vẫn phải mua ủng hộ bạn bè. Có lần dùng kem dưỡng trắng mua của bạn học, em bị dị ứng khắp mặt và phải dừng hẳn việc sử dụng sản phẩm này”.

Cần có đơn vị chống hàng giả trên mạng

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - đội trưởng đội 6 Quản lý thị trường Hà Nội, điểm khó nhất của chống hàng giả trên mạng là kinh doanh trên mạng không có địa giới hành chính, có thể bán ở bất cứ đâu, không dễ tìm địa chỉ chủ kinh doanh.

"Rất cần có một đơn vị chuyên trách chống hàng giả, hàng nhái trên mạng. Cục đó có thể thuộc Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương hoặc tùy theo chức năng của các bộ, nhưng phải là đơn vị chuyên trách" - ông Nghĩa đề xuất.

Nhiều người đã trở thành nạn nhân khi dùng mỹ phẩm và TPCN mua trên mạng.

Ông Trần Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, cũng cho biết chưa bao giờ ông thấy chợ mạng nhiều hàng hóa như hiện nay, và thương mại điện tử cũng là một xu thế.

"Nhưng trước tình trạng nhiều hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thuốc chữa ung thư giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả tràn lan như hiện nay thì chống hàng giả phải làm theo cách mới hơn"- ông Hùng nói.

Rất nên nhìn kỹ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng khi mua sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Nhiều người nên thay đổi cách mua hàng như mua rất nhiều hàng hóa dạng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có người mua hàng giá cao chỉ vì nghe nói đó là hàng tốt. Cảnh giác với hàng giả, hàng nhái và đừng nên dễ dàng tin tưởng khi mua hàng liên quan đến sức khỏe trên chợ face, chợ mạng.

Minh Minh (T/h)


Tin nổi bật