Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Và thị thành như một giấc mơ…

(DS&PL) -

Tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cầm tấm bằng “nóng hổi” trên tay, tôi háo hức muốn được vào nghề ngay lập tức.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cầm tấm bằng “nóng hổi” trên tay, tôi háo hức muốn được vào nghề ngay lập tức.

Suốt 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, làu làu với mớ lý thuyết, tôi nuôi giấc mơ về viễn cảnh sẽ trở thành một phóng viên năng nổ, tác nghiệp một cách đầy bản lĩnh và sáng tạo; hoặc trở thành một biên tập viên tầm cỡ tại các tòa soạn lớn. Và thời điểm ấy, đó cũng là cách để tôi trụ lại với thị thành.

Có thể tôi cũng thuộc hàng may mắn hơn nhiều bạn cùng khoa, cùng khóa khi vừa gửi bộ hồ sơ đầu tiên đã được gọi đi làm. Ban đầu, tôi lấy làm kiêu hãnh lắm. “Thân cô thế cô” mà vào được nhân viên hợp đồng tại một chương trình của Đài phát thanh quốc gia, tôi cho đó đã là “quá nửa thành công”.

Trong môi trường đó, công việc luôn đòi hỏi sự độc lập cá nhân và tôi cũng luôn cố gắng hết mình để tự học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Tôi tự học cách đọc off, ghi voice, tự dựng kịch bản và cũng thực hiện được tuyến bài có chút thành công cá nhân so với nhiều bạn đồng nghiệp cùng phòng. Thời điểm đó, tôi đặt mục tiêu phải thi đỗ viên chức - như một sự bảo trợ chắc chắn, an toàn đối với con đường làm nghề của mình.

Cuộc đời đã cho tôi cú giáng đầu tiên!

Trượt viên chức - đó là nỗi xấu hổ ghê gớm trong tôi. Tôi cảm giác cả thế giới dường như đang đổ dồn mọi ánh nhìn soi mói về phía mình - mọi lúc. Tôi không còn chí thú với bài vở, không còn hào hứng với các chuyên đề. Những buổi làm phát thanh cho chương trình cũng không còn đầy đặn sự nhiệt huyết. Tôi dằn vặt sự thất bại của mình trong mọi bối cảnh, với muôn vàn lý do.

Thời khắc đó, tôi bất chợt quên lãng một điều rằng, tôi đã từng rất yêu công việc. Và tôi cũng cố tình quên luôn mình đã từng nỗ lực vì nó như thế nào, chịu vất vả và hao tâm ra làm sao. “Viên chức” đối với tôi khi ấy là cả thế giới. Và khi thế giới ấy sụp đổ một cách hoàn toàn, sau 2 tháng, tôi lựa chọn ra đi.

Quyết bám trụ thị thành, tôi thận trọng tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp khác. Và tòa soạn thứ hai tôi tìm đến là một cơ quan tạp chí hàn lâm. Lúc này, nỗi ám ảnh tìm kiếm một ví trí biên chế để “yên tâm công tác” dường như đã phôi pha trong tôi ít nhiều. Tôi đi tìm việc vì khát vọng kiếm tiền là chủ yếu.

Từ làm phát thanh, đột ngột rẽ sang cách thức làm tạp chí chuyên ngành hoàn toàn lạ lẫm nên thời gian đầu, tôi có chút bối rối. Tuy nhiên, nhờ chủ động tự học hỏi, tôi cũng nhanh chóng bắt kịp công việc.

Ảnh minh hoạ.

Hai năm đầu, nhuận bút tòa soạn chi trả vào hàng khá hậu hĩnh. Tôi từng nghĩ, với nhịp thu nhập đó, tôi chắc sẽ gắn bó dài lâu. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung, tòa soạn đột ngột cắt giảm nhân sự và cũng điều chỉnh mức thu nhập của mọi người xuống còn phân nửa với lời động viên “hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn”.

6 tháng qua đi, nhận thấy tình hình không có nhiều hy vọng biến chuyển, tôi đã quyết định không ở lại “đồng cam cộng khổ” cùng ban biên tập. Sự kiêu ngạo của tuổi trẻ khiến tôi cho rằng, được đánh giá cao về chuyên môn, nghĩa là tôi giỏi, thực sự nổi bật, thực sự “xuất chúng” trong đội ngũ mấy chục con người thì tất yếu phải nhận được thù lao xứng đáng cho những đóng góp của mình. Tôi không muốn bán rẻ tri thức trong các bài viết, cũng không quá yêu tập thể hay thiện cảm với cơ quan tới mức “toàn lực dấn thân”. Vậy nên, tôi ra đi trong tâm thế ít dằn vặt nhất có thể.

Tòa soạn thứ ba tôi dừng chân - Đời sống & Pháp luật

Tôi được thông báo sẽ thử việc 2 tháng sau khi buổi phỏng vấn xin việc kết thúc. Thế nhưng, may mắn một lần nữa quay trở lại khi tôi được ký hợp đồng chỉ sau 7 ngày bước chân vào tòa soạn. Đó là động lực to lớn để tôi bắt đầu nhịp công việc mới, tuy nhiên cũng sẽ là thử thách không hề nhỏ đối với bản thân tôi. Vì qua nhiều năm trải nghề, tôi nhận ra rằng, nếu tôi không làm tốt hơn cách tôi đã khởi đầu, thì tôi có nguy cơ bị chính mình “đào thải”.

Tôi được phân công phụ trách bài vở mục Thời sự trong nước của ban điện tử. Với sự hướng dẫn của Trưởng ban nội dung dạn dày kinh nghiệm, tôi thấy mình lĩnh hội được khá nhiều các bài học thực tế, kỹ năng tác nghiệp của báo chí hiện đại.

Và đặc biệt, trưởng ban cũng là người đầu tiên định hướng cho tôi thực hiện tuyến bài mới với kỳ vọng sẽ góp phần làm nên thương hiệu cá nhân, định hình tên tuổi của tôi giữa mấy chục phóng viên, biên tập viên của tòa soạn, và xa hơn là giúp tôi có “điểm nhấn” giữa hàng vạn đồng nghiệp trong làng báo điện tử nhiều cạnh tranh. Đấy là sự gợi mở mà tôi chưa từng được định hướng ở các tòa soạn trước. Nhận thấy đó là hướng đi nhiều tiềm năng, tôi mạnh dạn quyết định… trao cho mình cơ hội.

Suốt 2 năm gia nhập tòa soạn mới, thay vì “nuông chiều” sở thích được ngồi phòng máy lạnh “mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu”, xúng xính áo quần ngày làm 8 tiếng đúng kiểu “hành chính chuẩn mực” như trước đây, tôi đã trải nghiệm thời gian của cuộc đời mình bằng những chuyến đi. Từ Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương rồi đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế…, tôi đã gom nhặt những mẩu chuyện đời và cho ra những bài viết được tòa soạn đánh giá là chất lượng thực sự cả về văn phong lẫn chuyên môn. Đặc biệt, cả tuyến bài độc – dị - lạ ra đời đã mang về lượng truy cập cao hơn nhiều lần kỳ vọng, đồng thời cũng đem đến cho tôi cảm giác hạnh phúc đến ngỡ ngàng.

Từ những bài viết đầu tay của nhiều tuyến đề tài tôi thấy mình trưởng thành lên nhiều qua mỗi câu chuyện và những chuyến đi. Kinh nghiệm làm nghề được hun đúc, tích lũy qua những lăn lộn dặm dài, kỹ năng giao tiếp theo đó cũng hoàn thiện hơn lên.

Và điều quan trọng nhất, là một ngày tôi bất chợt nhận ra “chất nghề” đã thấm vào tôi thực sự. Tôi đã không còn quá bận tâm với việc thu nhập tòa soạn chi trả liệu có đủ đảm bảo cuộc sống. Giấc mơ về một vị trí công việc “đảm bảo yên phận một đời” cũng dần bị xóa nhòa. Tôi nhận ra mình đã tự tạo lập được kỹ năng thích nghi cao với nhiều môi trường tác nghiệp. Nỗ lực bám trụ thị thành đã trở nên một giấc mơ xưa cũ, tôi đặt mục tiêu nhiều hơn về niềm vui của những chuyến đi.

Nhìn lại chặng đường hơn 7 năm kể từ ngày đến với tòa soạn, thành quả đạt được dù chưa phải thực sự ấn tượng, song với riêng tôi, nó là cả một dặm dài nỗ lực, trưởng thành trên bước đường nghề mà tôi lựa chọn. Các bài viết tôi thực hiện từ nhiều năm trước thi thoảng vẫn được xuất hiện lại trên nhiều diễn đàn. Rồi bạn bè, đồng nghiệp, mỗi khi nhắc tới bút danh của tôi đều không quên ôn lại những kỷ niệm gắn với những bình luận rôm rả trên các hội nhóm. Đấy là thành công về mặt cá nhân mà tôi chưa từng dám tưởng tượng trong đời.

Ở thời điểm hiện tại, tôi không dám cam đoan chắc chắn mình sẽ gắn bó mãi mãi với tòa soạn thứ ba này, tuy nhiên, dẫu tiếp tục miệt mài cống hiến cho công việc hay tìm một đường hướng nào khác trong tương lai, tôi tin rằng Đời sống & Pháp luật sẽ mãi luôn là nơi khởi đầu giúp tôi khai phá những giấc mơ của cuộc đời mình. Và để nói lời tri ân với Ban biên tập, với người dìu dắt tôi và với cả những đồng nghiệp nơi đây, thì một lời sợ thừa, mà ngàn lời e là vẫn thiếu – với tất cả sự chân thành trên một chặng đường nghề tôi đã đi qua.

Vũ Đậu


Tin nổi bật