Mới đây, một cụ ông 70 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi uống 4 liều an cung ngưu hoàng để ngừa tai biến.
Người lao động dẫn lời bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân L.V.L. (70 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng bị hôn mê sau khi uống thuốc an cung ngưu hoàng hoàn ngừa tai biến mạch máu não.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó khoảng 1 tuần ông L. bị ngã và xuất hiện tình trạng đau đầu chóng mặt. Lo ngại bị tai biến mạch máu não, gia đình đã cho ông uống cho uống 4 liều thuốc an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng tai biến. Sau 4 liều thuốc này, ông L. bắt đầu có biểu hiện bất thường, hôn mê nên người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hình ảnh chảy máu dưới màng cứng sau khi bệnh nhân dùng an cung ngưu. Ảnh: Người lao động |
Hình ảnh chụp cắt lớp CT não cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết não có cục máu tụ dưới màng cứng. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành xử lý lấy máu tụ và sức khỏe ổn định sau can thiệp 4 ngày.
Theo bác sĩ Khiêm, tại đây từng tiếp nhận không ít trường hợp cấp cứu sau khi uống an cung ngưu hoàng hoàn. Những người sử dụng thuốc này đều không có chỉ định của thầy thuốc mà thường tự ý mua loại thuốc này về tích trữ và coi đó là "thần dược" phòng ngừa tai biến, đột quỵ. Quá nhiều lời đồn thổi về loại thuốc này khiến nhiều người mua về tích trữ trong nhà, coi đây là một lá “bùa hộ mệnh” khi có tai biến. Và cũng không ít người trong số đó đã ngậm ngùi vì người thân không qua khỏi, sống thực vật vì tin tưởng an cung ngưu hoàng hoàn.
Theo Sức khỏe & Đời sống, an cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng dự phòng tai biến mạch máu não. Đây là loại thuốc dùng trong trường hợp bị tai biến nhồi máu và phải có chỉ định từ bác sĩ nhưng trên thực tế người dân sử dụng rất bừa bãi. Rất nhiều bệnh nhân cao huyết áp luôn dự phòng an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng tai biến mạch máu não, dù đây là thuốc điều trị không phải thuốc dự phòng.
"Về lý thuyết, bệnh nhân bị tai biến nhồi máu não uống an cung ngưu có thể cải thiện lâm sàng do thuốc làm giảm yếu tố đông máu. Tuy nhiên, khi xảy ra tai biến, không ai có thể xác định bệnh nhân đang bị nhồi máu não hay xuất huyết não khi chưa tới bệnh viện để chẩn đoán. Trong trường hợp bị tai biến xuất huyết não, uống an cung ngưu càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu.
Do thuốc an cung ngưu có tác dụng chống đông. Bệnh nhân đang bị xuất huyết máu não, cần cầm máu không cho chảy thì lại uống an cung khiến máu không thể đông lại, càng chảy máu nhiều thêm, nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, trước khi dùng thuốc, người bệnh cần được chụp cộng hưởng từ, chẩn đoán chính xác tình trạng tai biến mạch máu não có chảy máu hay không”- chuyên gia cấp cứu cảnh báo.
Bác sĩ Khiêm thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống |
Một điểm cần lưu ý nữa là, kể cả trong trường hợp tai biến nhồi máu não, nếu bệnh nhân có đông tắc mạch thì việc tùy tiện dùng thuốc an cung ngưu cũng rất nguy hiểm. Vì nếu vùng nhồi máu quá lớn, dùng thuốc an cung sẽ gây nguy cơ chảy máu bên trong vùng nhồi máu làm tình trạng chảy máu thêm trầm trọng hơn.
Chính vì vậy, khi dùng thuốc cần đặc biệt tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng gây hậu quả nặng nề. Tuyệt đối không dùng thuốc này cho bệnh nhân bị tai biến máu não do chảy máu. Với bất cứ trường hợp tai biến mạch máu não nào, việc can thiệp sớm trong giờ vàng (3-4h sau khi có biểu hiện) rất quan trọng để cứu sống người bị tai biến mạch máu não.
Minh Khôi (T/h)