Đóng

Ứng phó bão số 3 Wipha, nhiều địa phương cấm biển từ sáng nay (21/7)

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Từ sáng nay (21/7), nhiều tỉnh thành cấm tất cả các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi.

Quảng Ninh: Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống tại chỗ

Theo tin tức trên báo Quảng Ninh, để chủ động ứng phó với bão số 3 (Wipha), Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh chủ động triển khai các biện pháp phòng chống tại chỗ, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý các tình huống xảy ra.

Theo đó, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhập diễn biến bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực PCTT- TKCN theo quy định; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn về lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý các tình huống xảy ra. Khi tham gia thực hiện nhiệm vụ phải mang mặc trang phục theo quy định và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng và các Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động di chuyển tránh trú, không đi vào khu vực nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các loại tàu, thuyền, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiên quyết không cho xuất bến khi điều kiện thời tiết không cho phép những tàu thiếu thiết bị an toàn, thiết bị cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc...

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực 4 - Hạ Long (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) chuẩn bị vật chất sằng sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra, chuẩn bị vật chất, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chằng buộc hệ thống kho tàng, doanh trại; đề phòng mưa to, dông, lốc; có biện pháp chống dột, chống sập. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời về Bộ CHQS tỉnh qua hệ thống Chỉ huy và Trực ban Tác chiến theo đúng quy định. Đội thường trực liên ngành tìm kiếm cứu nạn trên vịnh Hạ Long duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên nắm chắc tình hình trên biển và các diễn biến bất thường của thời tiết, sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu bảo đảm an toàn cho lực lượng và phương tiện.

Hải Phòng: Chính thức cấm biển, tổng lực ứng phó bão số 3 Wipha 

Theo tin tức trên Lao động, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dùng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi; dừng các hoạt động tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 17h ngày 20/7.

Bộ Chỉ huy Quân sự, UBND các xã, phường, đặc khu thường xuyên thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển; số lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chòi canh; bằng mọi biện pháp vào nơi tránh, trú an toàn; sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu, các công việc này phải hoàn thành trước 21h ngày 20/7; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thuỷ sản, phương tiện đường thuỷ nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn (trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp cưỡng chế).

Hải Phòng cấm biển từ 17h ngày 20/7. (Ảnh: Lao động)

Trước đó, tại cuộc họp sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Việc chủ động ứng phó với bão số 3 là nhiệm vụ cấp bách, yêu cầu các cấp, ngành quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe người dân và tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan với diễn biến phức tạp của bão. Các lực lượng phải thực hiện nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra.

Thanh Hóa: Cấm biển từ 8h sáng 21/7

Theo tin tức trên VOV, ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 05, cấm biển từ 8h ngày 21/7.

Tỉnh Thanh Hoá có khoảng 6.500 phương tiện nghề cá, với hơn 20 nghìn lao động khai thác hải sản trên biển. Tính đến chiều tối qua 20/7, đã có 6.438 phương tiện, với trên 20.100 lao động về nơi neo đậu an toàn; hiện vẫn còn hơn 100 phương tiện, với trên 620 lao động đang hoạt động trên biển. Số phương tiện trên đã nắm được thông tin vùng bão, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 05, cấm biển từ 8 giờ hôm nay (21/7) cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão; giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho tàu, thuyền ra khơi trong thời gian này.

Thanh Hoá cấm biển từ 8h sáng 21/7. (Ảnh: VOV)

Chủ tịch UBND các xã, phường ven biển, các địa phương có hoạt động nghề cá chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong việc tổ chức cấm biển, dẫn tới thiệt hại về người và tài sản; Các địa phương tổ chức hướng dẫn, sắp xếp, quản lý chặt chẽ tàu, thuyền tại nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn theo đúng quy định; tuyệt đối không nổ máy động cơ khi đã neo đậu; kiên quyết không để người ở lại trên các phương tiện khi bão đổ bộ.

Hiện nay, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và các địa phương ven biển đang tổ chức lực lượng theo dõi chặt chẽ tàu thuyền hoạt động trên các ngư trường và quản lý phương tiện tại địa phương; sẵn sàng phương tiện làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh điều động.

Nghệ An: Kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm tràn

Theo tin tức trên Dân trí, tại Nghệ An, tối 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 3.

Việc cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi được thực hiện kể từ 5h, ngày 21/7. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 10h cùng ngày.

Chủ tịch UBND các xã, phường, Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng và Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh thông báo liên tục cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm rõ diễn biến của bão và hướng dẫn các tàu tìm nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các địa phương tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, bao gồm cả tàu cá, tàu du lịch và tàu vận tải tại nơi tránh trú đã được quy hoạch; có phương án di dời, gia cố hệ thống lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

Toàn tỉnh Nghệ An có hơn 3.400 tàu cá. Tính đến 17h ngày 20/7, các đơn vị trực thuộc đã kêu gọi được 574 lượt phương tiện/2.964 lao động vào nơi neo đậu, trú tránh an toàn.

Tối cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ký công điện hỏa tốc chỉ đạo ứng phó bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão.

Lực lượng chức năng giúp người dân chằng néo tàu thuyền. (Ảnh: Dân trí)

Các địa phương sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan...

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai các phần việc nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân và của nhà nước.

Ninh Bình: Khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó bão số 3

Theo VietnamNet, chiều 20/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng thông tin, UBND tỉnh đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và UBND các xã, phường khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó.

Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân thu dọn ngư cụ, chằng buộc tàu thuyền. (Ảnh: VietnamNet)

Từ 7h ngày 21/7, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; đến 12h cùng ngày phải hoàn tất việc neo đậu, trú tránh an toàn.

Từ 17h ngày 21/7, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc trên toàn tỉnh cho đến khi bão tan. Triển khai phương án di dân khu vực cửa sông, ven biển, khu vực dân cư sinh sống, hoạt động tại các bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo, không an toàn vào nơi tránh trú an toàn trước 12h ngày 21/7.

Tin nổi bật