Theo thông tin mới nhất do Kyiv Independent đăng tải, Tổng thống Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu hàng đêm cho biết, các tên lửa mà Nga phóng trong cuộc tấn công hàng loạt nhằm vào thủ Kiev đêm ngày 20 – rạng sáng ngày 21/3 (theo giờ địa phương) chứa tổng cộng 1.500 linh kiện nước ngoài.
Ukraine cáo buộc Nga đã phóng tổng cộng 2 tên lửa đạn đạo Kinzhal và 29 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 bằng 11 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, xuất phát từ khu vực Volgodonsk thuộc tỉnh Rostov và Engels thuộc tỉnh Saratov. Cuộc tấn công được phòng không Ukraine đẩy lùi thành công nhưng các mảnh vỡ tên lửa đã khiến 13 người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng, nhà ở và phương tiện giao thông ở Kiev bị hư hại.
Hậu quả của cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thủ đô Kiev của Ukraine hôm 21/3. Ảnh: Kyiv Independent
Tổng thống Zelensky tiết lộ một tên lửa hành trình Kh-101 của Nga sử dụng ít nhất 53 loại linh kiện do nước ngoài sản xuất, trong khi tên lửa Kinzhal sử dụng ít nhất 49 linh kiện do nước ngoài sản xuất. Vì vậy, 31 tên lửa quân đội Nga phóng vào Kiev trong cuộc tấn công gần đây có đến 1.500 linh kiện nhập khẩu.
“Phần lớn các bộ phận trong tên lửa của Nga được sản xuất bởi các công ty tự do nước ngoài và được đưa vào Nga thông qua các chương trình nhập khẩu không chính thức”, nhà lãnh đạo Ukraine nói đồng thời nhấn mạnh rằng điều này cần được ngăn chặn bằng nhiều biện pháp trừng phạt hơn.
Bất chấp các biện pháp trừng phạt sâu rộng trước đó của phương Tây, Nga vẫn tiếp tục nhận được hàng hóa nằm trong danh sách đen chẳng hạn như vi mạch thông qua các bên thứ ba. Điều này giúp Moscow có thể tiếp tục thúc đẩy sản xuất quốc phòng đồng thời phục vụ cho các hoạt động quân sự ở Ukraine.
Tuần trước, hãng tin CNN dẫn các nguồn tin tình báo phương Tây tiết lộ, Nga đang sản xuất khoảng 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng - tương đương 3 triệu quả một năm. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1,2 triệu quả đạn mỗi năm để gửi tới Ukraine.
Mỹ cũng đặt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025 – chưa bằng một nửa sản lượng hàng tháng của Nga. Tuy nhiên, mục tiêu này được nhận định là khó thể đạt do khoản viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine vẫn đang bị kẹt ở Quốc hội Mỹ.
Một quan chức NATO giấu tên cho biết, cục diện chiến sự hiện tại ở Ukraine đang phụ thuộc vào số lượng vũ khí mỗi bên được trang bị. Các nhà máy pháo binh ở Nga đang làm việc suốt ngày đêm và Moscow còn nhập khẩu đạn dược từ các quốc gia đồng minh khác.
Trong khi đó, quân đội Ukraine đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu đạn dược. Họ thậm chỉ có thể sử dụng tối đa 2.000 quả đạn pháo để đáp trả khoảng 10.000 quả đạn mà các lực lượng Nga triển khai mỗi ngày trên toàn bộ chiến tuyến.
Phương Uyên (Theo Kyiv Independent)