Theo nguồn tin từ hai quan chức châu Âu do Reuters trích dẫn, Ukraine đã gửi đến Mỹ và Anh danh sách các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga mà họ có thể tấn công bằng vũ khí tầm xa nếu nhận được sự đồng ý từ các quốc gia phương Tây.
Ban đầu, Ukraine dự định sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ để tấn công các căn cứ không quân của Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 90% máy bay của Nga, mối đe dọa lớn đối với Ukraine, nằm ngoài tầm bắn 300 km từ biên giới Ukraine, vượt quá khả năng của hệ thống ATACMS. Vì vậy, Kiev đã thay đổi mục tiêu, nhắm vào các trung tâm chỉ huy quân sự, kho nhiên liệu, vũ khí và nơi tập trung quân của Nga.
Ngoài ATACMS do Mỹ cung cấp, Ukraine cũng hy vọng sẽ sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Tên lửa tầm xa. Ảnh minh họa
Trước đó, Reuters đã đưa tin rằng Mỹ và Anh đang thảo luận về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Quan chức Mỹ cũng cho biết Ukraine đã có khả năng tấn công các mục tiêu ở Nga bằng máy bay không người lái. Tên lửa ATACMS của Mỹ sẽ nâng cao năng lực này, tuy nhiên chúng đắt đỏ và số lượng hạn chế. Mỹ khuyên Ukraine nên tập trung vào việc ngăn chặn các cuộc tấn công từ Nga ở miền đông Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Ba Lan, Radoslaw Sikorski, đã kêu gọi ngừng cấp phúc lợi cho nam giới Ukraine đang tị nạn ở châu Âu, nhằm giúp Kiev huy động thêm lực lượng cho chiến trường. Sau cuộc họp với Ngoại trưởng Ukraine vào ngày 14/9, ông Sikorski nhấn mạnh rằng việc dừng phúc lợi cho những người Ukraine đủ điều kiện nhập ngũ không chỉ giúp ích cho Ukraine mà còn mang lại lợi ích tài chính cho các quốc gia tiếp nhận.
Theo dữ liệu từ Eurostat tính đến tháng 7, hơn 4,1 triệu người Ukraine đang sinh sống tạm thời tại các quốc gia EU, trong đó có khoảng 22% là nam giới trưởng thành. Ông Sikorski cho rằng, những người đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự không nên nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào, vì việc được trả tiền để tránh nghĩa vụ quân sự không phải là một quyền con người. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng đồng tình với ý kiến này và nhấn mạnh rằng EU cần triển khai chương trình đưa người Ukraine trở về nước với các điều kiện thích hợp.
Ngoại trưởng Ba Lan, Radoslaw Sikorski. Ảnh: Reuters
Đầu năm nay, Ukraine đã ban hành luật nghĩa vụ mới và thực hiện nhiều biện pháp khác, bao gồm việc giảm độ tuổi gọi nhập ngũ từ 27 xuống 25 nhằm tăng cường lực lượng binh sĩ.
Luật này yêu cầu nam giới Ukraine đang sinh sống ở nước ngoài phải đăng ký lại thông tin nghĩa vụ quân sự qua mạng và khuyến khích họ trở về nước tham gia chiến đấu.
Kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ vào năm 2022, Ukraine đã ban hành thiết quân luật, cấm nam giới từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước mà không có giấy phép đặc biệt, đồng thời bắt đầu quá trình huy động dân thường vào quân đội.
Mặc dù vậy, nhiều người trong độ tuổi nhập ngũ vẫn tìm cách rời khỏi Ukraine để tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong bối cảnh có những thông tin về tình trạng tham nhũng trong hệ thống tuyển quân, giúp một số nam giới thoát nghĩa vụ quân sự bằng cách hối lộ.