Từ cuối mùa hè năm 2024, Ukraine đã tăng cường nhắm vào các kho đạn dược, vốn rất quan trọng đối với Nga để duy trì hoạt động của các hệ thống pháo binh và súng bên trong nước Nga và trên lãnh thổ Ukraine do Moscow kiểm soát.
Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk cho biết, lực lượng Nga hiện đang bắn đạn pháo với số lượng nhiều gấp ba lần Ukraine tính đến đầu tháng 10/2024, nhưng lại giảm 8 lần so với mùa đông năm 2023.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng, lợi thế pháo binh của Nga so với Ukraine xung quanh Pokrovsk, một thị trấn ở miền đông Ukraine, đã giảm từ tỷ lệ 12:1 xuống còn 2,5:1 sau khi Ukraine bất ngờ tấn công 0tỉnh Kursk vào tháng 8. Theo các chuyên gia quân sự, điều này một phần có thể do các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào các kho đạn dược Nga trong thời gian gần đây.
Ukraine đang tìm cách đánh thẳng vào "điểm yếu chí mạng" trong nguồn lực tiếp viện của Nga. Ảnh: Reuters
"Các cuộc tấn công mà Ukraine thực hiện có khả năng đã phá hủy một lượng lớn đạn dược và làm hỏng các hệ thống hậu cần được sử dụng để hỗ trợ lực lượng Nga ở tiền tuyến", ông John Hardie, phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ lưu ý.
Những địa điểm bị nhắm mục tiêu là kho dự trữ bom lượn, tên lửa đạn đạo và đạn pháo. Tuy nhiên, ông Hardie lưu ý, không thể xác định chắn chắn số lượng đạn dược bị phá hủy trong các cuộc tấn công đó, do đó, rất khó ước tính Nga còn lại bao nhiêu.
Ukraine hiện vẫn tiếp tục kêu gọi đồng minh dỡ bỏ hạn chế trong việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu hơn nữa vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Kiev vẫn được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu của Nga gần biên giới.
"Điều quan trọng đối với Ukraine là tấn công các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga. Chúng tôi đang chờ các đối tác cho phép chúng tôi tấn công các cơ sở quân sự của Nga bằng vũ khí mà họ sẽ cung cấp cho chúng tôi", chính trị gia và thành viên quốc hội Ukraine Oleksiy Goncharenko nói với Newsweek.
Việc cho phép các cuộc tấn công này sẽ là "bước ngoặt thực sự", Andrii Ziuz, cựu giám đốc điều hành Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine và hiện là giám đốc công nghệ tại công ty Prevail có trụ sở tại London, cho biết.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, đánh giá rằng khi Ukraine sử dụng Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp để nhắm vào các kho đạn của Nga đã buộc Moscow phải phân tán các địa điểm lưu trữ vũ khí. Động thái này cũng làm xói mòn nguồn lực hậu cần của Nga.
"Các nhà chức trách Nga có thể lo ngại rằng, việc di chuyển các kho đạn dược và các cơ sở lưu trữ quan trọng khác ra xa tiền tuyến và nằm ngoài phạm vi của các hệ thống do phương Tây cung cấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng tấn công của Nga tại Ukraine như thế nào", ISW cho biết vào cuối tháng 9.