Ngày 17/1, Defense Express đăng tải video ghi lại cảnh một xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M "Proryv" của Nga bốc cháy sau khi trúng hỏa lực của quân đội Ukraine.
Theo đó, phương tiện bị tấn công bởi một tên lửa chống tăng vác vai RPG AT4 do Thụy Điển sản xuất và được các đồng minh phương Tây viện trợ cho Ukraine trong giai đoạn đầu của xung đột giữa Moscow và Kiev.
Video: T-90M "Proryv" của Nga bị trúng hỏa lực.
"Đây là xe tăng T-90M "Proryv" thứ 10 của quân đội Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trước đó, quân đội Ukraine đã hạ 7 siêu tăng T-90M và thu giữ thêm 2 chiếc nữa", Defense Express cho biết. Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về những thông tin này.
Trước đó, phía Ukraine từng tuyên bố nước này đã thu giữ hàng chục xe tăng Nga, trong đó có xe tăng T-72, xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-80 và cả T-90. Giới phân tích nhận định, Ukraine có thể tân trang lại nhiều phương tiện trong số này và tái sử dụng trên chiến trường. Tuy vậy, riêng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 "Proryv" nhiều khả năng sẽ không được đưa trở lại chiến đấu, thậm chí bị chuyển ra ngoài lãnh thổ Ukraine để nghiên cứu.
Sức mạnh của tăng T-90M Proryv
T-90 có thể cung cấp cho các chuyên gia phương Tây những thông tin quan trọng về một trong những phương tiện bọc thép tiên tiến nhất của Nga. T-90M Proryv là phiên bản hiện đại hóa mới nhất của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực lần đầu được đưa vào trang bị cho quân đội Nga vào năm 1994.
Phiên bản này đã được nâng cấp đáng kể về khả năng bảo vệ khả năng cơ động và hỏa lực. Phương tiện được trang bị pháo nòng trơn 2A46M-4 125mm có khả năng bắn các loại đạn tiêu chuẩn cũng như tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) Reflek (định danh theo NATO là AT-11 SNIPER-B).
T-90M "Proryv" được tích hợp một trạm điều khiển vũ khí từ xa, trang bị súng máy hạng nặng NSVT 12,7mm và súng máy đồng trục PTKM 7,62mm, tổ hợp điều khiển bắn tự động số hóa và bộ ngắm ảnh nhiệt ngày/đêm; bộ nạp đạn tự động…
T-90M được ngụy trang khá kỹ với lớp phủ Nakidka giúp xe tránh bị hệ thống trinh sát hồng ngoại.
Hệ thống cảm biến trên T-90M có thể xác định mục tiêu cỡ xe tăng ở cự ly 5.500 m trong điều kiện ban ngày, 2.000 m trong điều kiện đêm tối.
Thiết kế dạng module cho phép dễ dàng thay thế trong điều kiện chiến trường. Relikt cung cấp khả năng bảo vệ tăng 50% chống lại các loại đạn xuyên giáp, tên lửa chống tăng.
Phía sau tháp pháo, đuôi xe được gắn hệ thống lồng thép, giúp tăng khả năng bảo vệ chống lại các loại đạn bắn từ súng phóng lựu chống tăng. Khoảng hở giữa tháp pháo và thân xe được bọc lưới bảo vệ để tăng khả năng cản phá các loại đạn chống tăng.
Ngoài ra, T-90M còn được lắp hệ thống phòng vệ chủ động tương tự Afganit, loại dùng trên siêu tăng T-14 Armata. Nó gồm các cảm biến lắp quanh tháp pháo để phát hiện mối đe dọa, sau đó phóng cái khối đánh chặn để phá hủy đầu đạn trước khi nó tác động đến thân xe.
Việc mất xe tăng T-90M trên chiến trường có thể khiến Nga lo ngại phương Tây sẽ phát hiện ra những công nghệ quân sự quan trọng mà Moscow muốn giữ bí mật.
Mộc Miên (T/h)