(ĐSPL) - Theo báo chí Pháp, chỉ có ông Putin mới biết Nga có tấn công Ukraine hay không và bất kể điều gì xảy ra, cuộc khủng hoảng này buộc Mỹ phải “tái xoay trục” sang Châu Âu.
Ngày 23/3, tại Quảng trường Maidan, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Andrei Paroubyi khẳng định các đơn vị Nga bố trí tại vùng biên giới có thể tấn công “bất cứ lúc nào”. Cùng ngày, lần đầu tiên các lãnh đạo Phương Tây, như Thủ tướng Anh và Tư lệnh NATO, viên tướng Mỹ Philip Breedlove, cũng cùng chung lo ngại này.
|
Tướng Breedlove: Sự hiện diện của quân đội Nga gần biên giới Ukraine là "rất, rất nghiêm trọng”. |
Theo tướng Breedlove, sự hiện diện của quân đội Nga gần biên giới Ukraine là "rất, rất nghiêm trọng”.
Chỉ Tổng thống Putin mới biết
Les Echos có bài “Phương Tây báo động trước các động thái quân sự Nga”, nhấn mạnh đến lo ngại ở Kiev rằng Moscow có thể tấn công Ukraine. Theo Les Echos, việc Nga có tấn công Ukraine trong thời gian tới hay không, chỉ có Tổng thống Vladimir Putin và ba hay bốn cộng sự thân cận mới biết rõ.
|
Nga có tấn công Ukraine hay không? Chỉ có ông Putin và vài cộng sự thân cận mới biết. |
Về mặt lý thuyết, Nga có thể huy động quân số gấp 6 lần Ukraine và nhanh chóng chiếm được một phần ba lãnh thổ của nước này. Nhưng theo các chuyên gia, đánh chiếm thì dễ, nhưng để giữ được thì khó. Kịch bản Afghanistan dẫn đến sự thất bại của Hồng quân Liên Xô rất có thể sẽ tái diễn. Việc Nga xâm lược Ukraine làm lo ngại khả năng bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ 3. Tuy nhiên khả năng đụng độ quân sự trực tiếp Nga-NATO là không thể, với quy ước ngầm được tuân thủ tuyệt đối từ 42 năm nay là “không bao giờ một quân nhân NATO bắn vào một quân nhân Nga và ngược lại”. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Mỹ cung cấp tin tức tình báo và cố vấn cho Ukraine, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra.
Về phía Nga, nhiều lần Moscow bác bỏ khả năng Nga tấn công Ukraine.
Tổng thống Obama buộc phải “tái xoay trục” sang Châu Âu
Tâm điểm chú ý trong cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn là chuyến công du Châu Âu 6 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
|
Tổng thống Obama buộc phải "tái xoay trục" sang Châu Âu. |
Về chuyện này, phóng viên Le Figaro từ Washington gửi về bài “Barack Obama buộc phải ‘xoay trục’ một lần nữa về Châu Âu”. Bài viếtnhận định ông Obama mơ về Châu Á, nhưng chính tại Châu Âu, ông đối đầu với thách thức mang tính chiến lược nhất trong nhiệm kỳ tổng thống. Theo Le Figaro, khó khăn nhất đối với Tổng thống Obama là thuyết phục Châu Âu có lập trường cứng rắn hơn, nếu Nga tiếp tục lấn tới.
Trong bài “Barack Obama đến trấn an các nước Châu Âu”, báo Le Monde nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn lịch trình của Tổng thống Mỹ. Trước Châu Âu đang bất an, Tổng thống Mỹ phải "tái khẳng định sự gắn bó của Mỹ với Điều 5 của Hiến chương NATO - theo đó, việc một thành viên bị tấn công cũng có nghĩa là toàn khối bị tấn công”.
Trong bài “Ukraine: Barack Obama lên tuyến đầu”, báo Les Echos đặc biệt chú ý đến cuộc họp bất thường của G7 tại La Haye nhằm chốt lại phản ứng của phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea. Hội nghị G7 được coi như là một tín hiệu cho thấy sự cô lập của Nga.
“Hướng đến một Châu Âu thứ ba ?”
Về cuộc khủng hoảng Ukraine với những căng thẳng leo thang, báo Le Monde đưa ra một góc nhìn quan trọng khác qua bài viết mang tựa đề “Hướng đến một Châu Âu thứ ba ?” của Georges Nivat, một chuyên gia Pháp về thế giới Slave. Ông Georges Nivat là một trong những người quảng bá văn học Nga. Trong số các tác phẩm của ông có “Nga-Châu Âu: Sự chấm dứt của cuộc phân liệt” (1993).
Tác giả bài viết đặt câu hỏi: Tình thế rất đáng quan ngại tại Ukraine và Crimea liệu có thể dẫn đến một cái nhìn mới về chính Châu Âu?
Trong khi ghi nhận Ukraine bản thân là một quốc gia, sống giữa hai đế chế và sở dĩ thống nhất được là nhờ văn hóa, chuyên gia Georges Nivat viết: “Một Ukraine mới sẽ giúp cho chúng ta xây dựng một Châu Âu mới”. Theo ông, một Châu Âu thứ 3, nếu ra đời, sẽ bao gồm cả nước Nga. Chính trong quá trình này, Ukraine “sẽ có thể tìm thấy được sự thống nhất tinh thần/tâm linh và tái hòa giải với Nga, vốn luôn gắn bó qua hàng triệu mối dây liên hệ giữa các gia đình, trong hai triệu người Ukraine làm việc tại Nga và trong tất cả các di sản chung”.
Văn Linh