Telegraph đưa tin, UAV tự sát Lancet của Nga đang trở thành cơn đau đầu với quân đội Ukraine tại tiền tuyến. "Để hiểu tại sao loại thiết bị bay này là mối lo ngại của chúng tôi, thì bất cứ thứ gì có khả năng làm hỏng thiết bị của chúng tôi hoặc gây rủi ro cho quân đội của chúng tôi đều là mối lo ngại”, ông Yury Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết.
UAV Lancet của Nga có thể mang theo 3kg chất nổ; được trang bị đầu nổ tương đối nhỏ, chỉ nặng 1,5-5 kg, có thể là đầu đạn nổ mảnh hoặc nổ lõm xuyên giáp; thường bay ở độ cao thấp để tránh radar và có thể lảng vảng trên không để chờ mục tiêu.
Lancet được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Khác với UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.
Lancet có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Loại vũ khí này rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine. UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và chỉ lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể.
Đặc biệt, phiên bản Lancet 3 mới nhất có thể đạt tầm bay 50 km, cho phép tấn công những mục tiêu nằm sâu trong hậu phương Ukraine. Khả năng lượn trên không để sục sạo và truy đuổi mục tiêu khiến Lancet 3 là mối đe dọa lớn với những khí tài giá trị cao như xe tăng, pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt.
Đặc điểm của Lancet. Ảnh: Telegraph
Một trong những vũ khí của Ukraine thường xuyên bị Lancet đe dọa là pháo phản lực BM-21 Grad, gồm 40 ống phóng đạn cỡ nòng 122 mm đặt trên khung gầm xe tải. Hỏa lực và khả năng cơ động cao của Grad khiến nó được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Lancet.
Những yếu tố này khiến chúng trở thành mối đe dọa lớn với pháo binh Ukraine, nhất là khi Kiev không muốn sử dụng các loại tên lửa phòng không đắt đỏ để đánh chặn những UAV "giá rẻ".
Chi phí sản xuất mỗi chiếc Lancet vào khoảng 35.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá 4,3 triệu USD cho một tổ hợp pháo tự hành CAESAR, gần 17 triệu USD với radar TRML-4D của hệ thống IRIS-T.
Theo ông Sak, phương Tây có thể giúp Ukraine chống lại các UAV này bằng cách gửi thêm các hệ thống phòng không, đặc biệt là Gepards do Đức sản xuất, được trang bị súng phòng không.
Hiện tại, Đức đã gửi 34 chiếc Gepard tới Ukraine, với 18 chiếc khác đang trên đường tới. Tổng cộng, theo các quan chức Đức, Berlin có kế hoạch cung cấp cho Kiev 45 chiếc Gepard vào cuối năm 2023.
Các thiết bị tác chiến điện tử cũng là một phương án khả thi để vô hiệu hóa Lancet. Tuy vậy, Ukraine không sở hữu nhiều thiết bị kiểu này và phương Tây cũng không thường xuyên cung cấp chúng.
“Áp chế điện tử là một khía cạnh rất quan trọng trong khả năng chống UAV nhưng Ukraine đang thiếu rất nhiều khí tài này. Chúng tôi cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ các nước đồng minh”, ông Sak nói.
Mộc Miên (Theo Telegraph)