"Đối phương tiến hành một cuộc tấn công khác vào Kiev. Tại thời điểm này, chưa có thông tin về thương vong hoặc thiệt hại có thể xảy ra", Serhiy Popko - người đứng đầu chính quyền quân sự Kiev cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram hôm 2/7.
Quan chức Ukraine xác nhận, cuộc tấn công bằng UAV của Nga vào Kiev đêm qua diễn ra sau 12 ngày gián đoạn. Ukraine cho biết các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn toàn bộ UAV của Nga.
Nga nối lại chuỗi ngày tấn công Ukraine bằng UAV sau 12 ngày gián đoạn. Ảnh: Reuters
Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ giống như âm thanh của hệ thống phòng không tấn công mục tiêu. Khu vực Kiev và một số khu vực ở miền trung và miền đông Ukraine đã được đặt trong tình trạng báo động không kích trong khoảng một giờ vào rạng sáng nay.
Trong thời gian gần đây, Nga đã tăng cường tần suất sử dụng UAV để tập kích các mục tiêu quan trọng của Ukraine. Các thiết bị chứa thuốc nổ có tầm tấn công hơn 2.000km, kích thước tương đối nhỏ và có thể bay lảng vảng xung quanh mục tiêu trước khi lao xuống vào thời điểm thích hợp.
Các chuyên gia ra nhận định rằng Moscow sẽ phóng đi hàng loạt mục tiêu khác nhau bao gồm UAV tự sát, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hoặc là các tên lửa không chứa đầu đạn. Mục đích của việc này dường như làm phòng không Ukraine bị quá tải, khiến các tổ hợp phòng thủ bị lộ vị trí. Trong đợt tấn công sau đó, Nga sẽ phóng tên lửa chính xác cao để phá hủy các lá chắn này.
Lớp ngụy trang giúp xe tăng Nga “tàng hình” có gì đặc biệt?
Cũng theo Reuters đưa tin, các binh sĩ Ukraine cho hay UAV Lancet của Nga là mối đe dọa ngày càng lớn đối với khu vực tiền tuyến của Ukraine.
Dựa trên các nguồn tin công khai của Nga, một chiếc máy bay không người lái Lancet có giá khoảng 3 triệu rúp (khoảng 35.000 USD). Trong khi đó, sử dụng một tên lửa S-300 để tấn công cũng có thể tiêu tốn của quân đội Nga hàng trăm nghìn USD. Với Lancet, Moscow có thể phá hủy một chiếc xe tăng Leopard 2 trị giá vài triệu USD nhưng chi phí phải bỏ ra thấp hơn rất nhiều.
Cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak thừa nhận rằng việc Nga tăng cường sử dụng Lancet đã tạo ra nhiều khó khăn cho quân đội Ukraine.
"Mỗi ngày chúng tôi bắn hạ ít nhất một hoặc hai chiếc Lancet... nhưng thật không may, tỷ lệ đánh chặn không phải là 100%", ông Sak nói.
Ông Sak nhấn mạnh rằng Kiev cần thêm nhiều hệ thống tác chiến điện tử từ các đồng minh. Nếu không có những hệ thống như vậy, binh lính Ukraine thường buộc phải cố gắng bắn hạ Lancet bằng vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, máy bay không người lái này bay với tốc độ 100 km/h nên bắn hạ nó bằng vũ khí nhỏ không phải là một thử thách dễ dàng
Phương Uyên (T/h)