RT đưa tin ngày 18/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay không người lái (UAV) cảm tử của nước này đã phá hủy một xe chiến đấu bộ binh (IVF) đang được lực lượng Ukraine sử dụng trong cuộc xâm nhập vào khu vực biên giới Kursk.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trinh sát đã phát hiện chiếc xe chiến đấu bộ binh của Ukraine trong khu rừng tại một địa điểm không xác định. Quân đội Nga sau đó đã triển khai một máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) để tấn công phương tiện này.
“Do bị FPV tấn công trực tiếp, chiếc xe chiến đấu bộ binh của Ukraine đã bị phá hủy”, các quan chức cho biết, đồng thời nói thêm rằng phương tiện này sẽ “không thể sửa chữa” được.
Đoạn video ghi cảnh máy bay không người lái Nga tấn công một chiếc xe chiến đấu bộ binh của Ukraine. Nguồn video: Bộ Quốc phòng Nga/ RT
Trong đoạn video về cuộc tấn công do Bộ Quốc phòng Nga công bố, chiếc xe chiến đấu bộ binh đỗ trên một con đường gần khu rừng, trước khi bị một thức giống như UAV tấn công. Chỉ vài phút sau, phương tiện này bắt đầu bốc cháy. Tình hình của các binh sĩ điều khiển xe vẫn chưa được tiết lộ.
Các lực lượng Nga thường xuyên sử dụng UAV, tên lửa và pháo binh để tấn công lực lượng Ukraine đã tiến hành cuộc xâm nhập vùng Kursk vào đầu tháng 8/2024. Mặc dù phía Kiev ban đầu đã đạt được một số bước tiến nhưng cuộc đột kích đã bị ngăn lại và Nga bắt đầu phản công để đẩy lùi lực lượng Ukraine, theo các nguồn tin từ cả hai bên.
Theo thông tin từ giới chức trách Ukraine, một trong các mục đích chính của cuộc tấn công Kursk là để giành được vị thế mạnh hơn trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Kiev đã tổn thất hơn 14.600 binh sĩ kể từ khi bắt đầu chiến dịch tại khu vực này.
Trong diễn biến khác liên quan đến tình hình chiến sự Nga – Ukraine, Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho hay một số đồng minh của Ukraine đã bắt đầu thảo luận về những cách thức tiềm năng nhằm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo báo cáo, các đồng minh của Ukraine đã bắt đầu thảo luận chi tiết về các kịch bản đàm phán chấm dứt xung đột và cách thức đạt được điều đó. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý, Kiev vẫn là bên đưa ra quyết định về bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào và không ai gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Khi cuộc xung đột kéo dài mà không có sự thay đổi đáng kể nào trên chiến trường, một số quan chức phương Tây bắt đầu cân nhắc đến phương án sử dụng biện pháp ngoại giao để phá vỡ thế bế tắc, theo Bloomberg. Thế nhưng, một số nước phương Tây lo ngại rằng nỗ lực này có thể buộc Ukraine phải ngừng bắn sớm.
Một số đồng minh của Kiev tin rằng khoảng thời gian giữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 và lễ nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2025 có thể tạo ra cơ hội giúp chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhiều tự do chính trị hơn để đạt được thỏa thuận.
Nếu có sự thay đổi trong chính quyền Mỹ và các lực lượng cực hữu ở châu Âu giành được động lực thì có khả năng xuất hiện sự bất ổn về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.
Trong khi đó, ngày 12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã chia sẻ tại một cuộc họp về Ukraine với những người đứng đầu các phái đoàn ngoại giao rằng, Moscow cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng không thấy thiện chí ngoại giao chân thật ở phía đối phương, theo TASS.