Ngày 27/6, hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đề nghị hỗ trợ dàn xếp một cuộc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine. Đề xuất của UAE sẽ được xem xét khi danh sách các tù binh dự kiến nằm trong diện trao đổi được hoàn thành.
Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố bắt được rất nhiều tù binh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng vào cuối tháng 2 năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 7/6 cho biết, Nga đã bắt giữ gần 6.500 tay súng của Ukraine. Các quan chức Ukraine trước đó thông tin, đã có 11 đợt trao đổi tù binh diễn ra với hàng chục tù nhân được trao đổi.
Nga và Ukraine đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau về các hành vi ngược đãi thường dân và tù binh. Hồi đầu tháng này, Tatyana Moskalkova - quan chức nhân quyền hàng đầu của Nga, lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng đối xử với các tù binh Nga ở Ukraine.
Ảnh minh họa.
Trong ngày 27/6, Tổng thống Ukraine đã có bài phát biểu qua video, trong cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo nhóm G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ) diễn ra ở Đức.
Ông Zelensky mong muốn cuộc chiến kết thúc vào cuối năm nay trước khi mùa đông bắt đầu. Do đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 nỗ lực hết sức để chấm dứt chiến tranh, trong đó có việc tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Nga.
Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không cho quốc gia của ông, trong bối cảnh lực lượng Nga tấn công Lysychansk - thành phố lớn cuối cùng mà quân đội Ukraine vẫn còn kiểm soát ở khu vực Lugansk thuộc miền đông Ukraine.
Nhóm G7 khẳng định quyết tâm chặn những nguồn thu tài chính của Nga, trong đó có xuất khẩu vàng, đồng thời mở rộng các lệnh trừng phạt để hạn chế Moscow tiếp cận các công nghệ, dịch vụ và vật liệu công nghiệp then chốt.
Tuy nhiên, các nước phương Tây cũng đối mặt với thách thức lớn khi chiến sự đã kéo dài qua tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6%, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 9,1%, còn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Xung đột kéo dài cũng làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể "gây ra làn sóng đói kém chưa từng có", đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.
Linh Chi (T/h)