Mới đây, Twitter đã khóa tài khoản của phóng viên Drew Harwell từ tờ The Washington Post, phóng viên Donie O'Sullivan của đài CNN, phóng viên Ryan Mac của tờ The New York Times... mà không thông báo trước. Lý do mà Twitter đưa ra là các phóng viên này tiết lộ thông tin cá nhân của ông Musk và gia đình.
Twitter đã gây ra nhiều sự cố kể từ khi được mua lại bởi tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Reuters
Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các quan chức Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU), nói rằng Twitter đang gây nguy hiểm cho tự do báo chí.
Ngày 16/12, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách truyền thông toàn cầu Melissa Fleming nói rằng bà quan ngại về việc khóa tài khoản và lưu ý “tự do ngôn luận không phải là món đồ chơi”.
Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo Twitter rằng Bộ này đang quan sát các động thái gây nguy hiểm cho tự do báo chí.
EU cũng đe dọa trừng phạt ông Musk về vụ việc. Ngày 16/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - bà Vera Jourová có dòng tweet: “Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU (DSA) yêu cầu tôn trọng quyền tự do truyền thông và các quyền cơ bản”.
Đáp lại nhiều tweet về việc cấm tài khoản của các nhà báo, tỷ phú Musk đăng một tweet ngày 15/12: "Họ đăng vị trí thời gian thực của tôi, cả tọa độ của tôi, rõ ràng vi phạm điều khoản dịch vụ của Twitter. 7 ngày đình chỉ vì đánh cắp thông tin. Đôi khi có một thời gian tránh xa Twitter cũng tốt cho tâm hồn".
Vị tỷ phú này sau đó cũng xuất hiện ngắn ngủi trong một cuộc trò chuyện bằng âm thanh trên Twitter Spaces do các nhà báo tổ chức.
Cuộc trò chuyện nhanh chóng trở thành một cuộc thảo luận gay gắt về việc các nhà báo bị khóa tài khoản tiết lộ vị trí theo thời gian thực của Musk là có phải vi phạm chính sách hay không.
"Nếu bạn 'dox', bạn sẽ bị khóa. Hết chuyện", Musk lặp đi lặp lại khi trả lời các câu hỏi. "Dox" là một thuật ngữ để xuất bản thông tin cá nhân về ai đó, thường là với mục đích xấu.
Mộc Miên (T/h)