Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 16/12: Lý do Elon Musk, Mark Zuckerberg khó làm siêu ứng dụng

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Lý do Elon Musk, Mark Zuckerberg khó làm siêu ứng dụng; Nhóm kỹ sư Việt giành giải bảo mật hơn 80.000 USD... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 16/12/2022.

Lý do Elon Musk, Mark Zuckerberg khó làm siêu ứng dụng

Siêu ứng dụng - một ứng dụng thực hiện nhiều nhiệm vụ, chức năng khác nhau - hiện khá phổ biến ở nhiều nước như WeChat có hơn một tỷ người dùng ở Trung Quốc, Careem ở Trung Đông, Rappi ở Mỹ Latinh và Grab ở Đông Nam Á cũng đặt mục tiêu thu hút hàng trăm triệu người dùng.

Các CEO công nghệ muốn nhân rộng mô hình này ở phương Tây. Tháng trước, Meta được cho là đang tìm cách biến WhatsApp thành siêu ứng dụng để tăng nguồn thu khi canh bạc metaverse quá mạo hiểm. Hồi giữa năm, Elon Musk cho biết việc mua Twitter sẽ phục vụ cho tham vọng "siêu ứng dụng X" của ông. Gần nhất, Microsoft cũng đang xem xét xây dựng siêu ứng dụng nhằn lấn sân sang các dịch vụ tiêu dùng. Ngoài ra, Evan Spiegel của Snapchat cũng ấp ủ dự định tương tự.

Theo Business Insider, siêu ứng dụng là một tham vọng lớn. Tất cả hiện lấy WeChat làm hình mẫu. Thực tế, quy mô ứng dụng của Tencent nhỏ hơn so với các công ty công nghệ lớn của Mỹ xét theo số lượng người dùng, nhưng có một thứ tất cả ông lớn ở Thung lũng Silicon đều khao khát: sự tập trung của người dùng.

Đến nay, có khá ít thống kê về quy mô của WeChat. Tuy nhiên, số liệu từ Mary Meeker năm 2017 cho thấy thời gian người Trung Quốc dành thời gian cho ứng dụng này tổng cộng tới 1,9 tỷ giờ mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ ứng dụng nào khác nếu xét về yếu tố thời gian.

Đầu năm nay, Musk đánh giá WeChat là "Twitter cộng với PayPal cùng rất nhiều thứ khác, tất cả hợp thành một". Tại Meta, Zuckerberg đang muốn điều tương tự. Ông đã thất bại với dự án thanh toán Libra/Diem, nhưng các sản phẩm khác như Instagram và WhatsApp đang phát triển mạnh về chức năng thanh toán và thương mại điện tử.

Theo Media, Culture & Society, cốt lõi cho sự thành công của một siêu ứng dụng là chức năng thanh toán. Tuy vậy, đây là vấn đề khó giải quyết đối với Thung lũng Silicon.

Nhóm kỹ sư Việt giành giải bảo mật hơn 80.000 USD

Nhóm kỹ sư Việt Nam khai thác lỗ hổng trong các sản phẩm IoT và giành giải thưởng 82.500 USD tại cuộc thi bảo mật hàng đầu thế giới.

Trên bảng tổng kết của cuộc thi bảo mật Pwn2Own, "Team Viettel" đạt tổng điểm 16,5 và xếp thứ hai, kém hai điểm so với đội về nhất.

Pwn2Own là một trong những cuộc thi bảo mật lâu đời và lớn nhất thế giới, được Zero Day Initiative tổ chức thường niên từ 2007. Chủ đề trong đợt thi lần này là tìm lỗ hổng trong thiết bị thông minh, nhắm đến các mục tiêu được sử dụng thường xuyên trong nhà hoặc văn phòng như điện thoại di động, bộ định tuyến không dây, máy in, loa thông minh.

Trong bốn ngày, mỗi ngày đội đến từ Việt Nam đều khai thác được từ 1 đến 2 lỗ hổng. Tổng cộng có 5 lỗ hổng được nhóm khai thác, nhắm vào các mục tiêu gồm: máy in Canon, HP, bộ định tuyến TP-Link, Cisco và thiết bị lưu trữ mạng Western Digital.

Năm nay, Pwn2Own có thêm hạng mục SOHO Mashup, mô phỏng lại cuộc tấn công trong một văn phòng nhỏ với hàng loạt thiết bị thông minh kết nối mạng. Thí sinh sẽ phải tấn công vào bộ định tuyến, sau đó nhắm mục tiêu đến các thiết bị tiếp theo trong mạng LAN. Ở phần này, đội thi đến từ Việt Nam đã khai thác thành công lỗ hổng trên router Cisco và máy in Canon. Đây cũng là kết quả cao nhất mà nhóm đạt được trong đợt thi, giúp mang về 7,5 điểm và 37,5 nghìn USD giải thưởng.

Ông Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ An ninh mạng Viettel Cyber Security và quản lý đội thi, cho biết nhóm có 11 người, trong đó có 8 thành viên trẻ, sinh từ 1995 đến 2000. Nhiều người lần đầu tham dự cuộc thi bảo mật tầm cỡ thế giới, nhưng đã có thành tích cạnh tranh với các chuyên gia có tiếng như Star Labs, DevCore.

Dòng Xiaomi 13 chính thức ra mắt với thiết kế ấn tượng

Dòng Xiaomi 13 mới vừa được ra mắt với hai phiên bản: một mẫu tiêu chuẩn với màn hình phẳng và một mẫu Pro với mặt kính cong cùng camera được nâng cấp hơn. Phiên bản Xiaomi 13 thông thường được trang bị camera chính 50 megapixel ống kính Leica, camera góc rộng 12 megapixel và camera tele 10 megapixel. Trong khi đó, camera selfie bên trong màn hình có độ phân giải 32 megapixel.

Cung cấp sức mạnh cho Xiaomi 13 là chip SoC Snapdragon 8 Gen 2 mới nhất của Qualcomm, phần cứng của chiếc điện thoại cũng đi kèm bộ nhớ RAM LPDDR5 lên tới 12GB và bộ nhớ trong tối đa 512 GB. Xiaomi 13 sở hữu màn hình OLED 6,36 inch Full HD + với tốc độ làm mới 120Hz và độ sáng cực đại lên đến 1.900 nits. Dưới lớp vỏ là thỏi pin 4.500 mAh cho phép sạc có dây 67W, sạc không dây ở 50W và chia sẻ pin ở mức 10W. Bốn lựa chọn màu sắc có sẵn bao gồm xanh lá cây, trắng, đen cà xanh nước biển.

Đáng chú ý, nhà sản xuất cũng cung cấp phiên bản giới hạn với khung kim loại màu đen kết hợp cùng mặt kính phía sau màu đỏ, xanh dương, vàng, xanh lá cây hoặc xám. Tuy nhiên, những phiên đặc biệt này chỉ có tại Trung Quốc. Được biết, Xiaomi 13 sẽ có giá từ 3.999 Nhân dân tệ (khoảng 13,5 triệu đồng) đối với thị trường nội địa và những chi tiết về phiên bản quốc tế sẽ được tiết lộ trong vài tháng tới.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật