Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tuyển sinh năm 2021: Thí sinh sẽ có thêm cơ hội điều chỉnh nguyện vọng?

(DS&PL) -

Bộ GD&ĐT cho rằng, cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều hơn các lần trước vừa thuận lợi, vừa tăng cơ hội cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT cho rằng, cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều hơn các lần trước vừa thuận lợi, vừa tăng cơ hội cho thí sinh.

Quan trọng nhất là lần thay đổi cuối cùng

Một điểm mới đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm nay nằm ở việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một số lần chứ không chỉ một lần như các năm trước. Theo đó, bộ GD&ĐT đang xem xét “văn bản hóa” để thay đổi quy định này, tuy nhiên, chính sách cụ thể sẽ được Bộ soạn thảo và quy định cụ thể trong thời gian tới. Đó là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Hùng - vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) chia sẻ với thí sinh tại ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp vừa mới tổ chức.

Thí sinh sẽ được tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng theo dự kiến của bộ GD&ĐT.

Đại diện bộ GD&ĐT cũng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cơ bản vẫn như các kỳ thi trước. Thí sinh đăng ký tối thiểu 4 môn, bài thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Việc tổ chức thi, thanh tra thi cũng không có gì thay đổi.

Như thường lệ, sau khi bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh của bộ GD&ĐT kết quả sơ tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt, kết quả thi các môn năng khiếu (nếu có). Sau đó, bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe. Các trường cao đẳng, đại học cũng sẽ được điều chỉnh và công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường cho phù hợp. Dựa trên căn cứ về điểm thi, chỉ tiêu các trường, các thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.

Trước dự kiến trên của bộ GD&ĐT, trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo (trường đại học Kinh tế Quốc dân) bày tỏ ủng hộ phương án dự kiến này. PGS. Triệu cho rằng, việc điều chỉnh sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, bởi thực tế, nhiều thí sinh “trót” vội vã thay đổi khi chưa cân nhắc kỹ sẽ không còn “đường lui” mặc dù thời gian thay đổi nguyện vọng vẫn còn.

PGS.TS Bùi Đức Triệu.

“Đồng thời, cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng nhiều lần cũng không ảnh hưởng gì đến việc tuyển sinh của các trường. Bộ GD&ĐT chỉ cần chốt thời hạn và lấy lần cuối điều chỉnh là được. Trong thời gian đó, các em có thể thay đổi bao nhiêu lần không quan trọng, quan trọng nhất là lần thay đổi cuối cùng để chốt lại. Hiện nay, trường đại học Kinh tế Quốc dân cũng đang xây dựng phần mềm phục vụ tuyển sinh theo hướng này để tạo thuận lợi cho thí sinh” - PGS.TS Bùi Đức Triệu thông tin thêm.

Để không phải nhìn thấy những sinh viên học ngành nghề không yêu thích

Trao đổi với PV về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ - nhận định: “Ai cũng có đam mê và cần phải cố gắng theo đuổi đến cùng ước mơ. Tâm lý của phụ huynh và thí sinh thường muốn đăng ký vào cùng một ngành tại nhiều trường khác nhau để tăng thêm cơ hội được theo học ngành đó. Chính vì vậy, tôi mong bộ GD&ĐT cho phép các thí sinh được tận dụng tối đa cơ hội, có thể điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần để tỉ lệ và xác suất đỗ vào một ngành yêu thích được nâng lên”.

Bên cạnh đó, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng đề cập: “Tôi cho rằng, mỗi năm, các trường đại học, cao đẳng có thể tuyển sinh nhiều lần, vì hiện nay, chúng ta có một lợi thế, đó là học theo tín chỉ, sinh viên có thể bắt đầu việc học vào bất cứ thời điểm nào. Vậy, chúng ta có thể thành lập các trung tâm khảo thí tư nhân trên cả nước, từ Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, hay đồng bằng sông Cửu Long,... mỗi khu vực chỉ cần một trung tâm khảo thí, như vậy, sẽ có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm. Phải lưu ý là nên lập trung tâm khảo thí tư nhân, họ đứng ra sẽ có trách nhiệm hơn, gắn với nguy cơ phá sản nếu làm không cẩn thận; còn của Nhà nước thì dễ có “kẽ hở” dẫn đến “đánh bùa, đánh phép”...

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi và nhận phiếu điểm, có thể mang kết quả ấy đến đăng ký xét tuyển tại các trường đại học, cao đẳng bất cứ lúc nào. Chỉ cần đính kèm một tờ đơn, cũng chính là một “bài luận” để giám khảo xem xét khả năng văn chương cũng như lý do yêu thích ngành nghề đã đăng ký. Nhà trường căn cứ vào đó để quyết định nhận sinh viên”.

“Khi bộ GD&ĐT đã nắm bắt một cách tổng thể về tình hình tuyển sinh trong các năm qua, về nguyện vọng đăng ký của thí sinh và đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, kết quả thi tốt nghiệp THPT, phải đưa ra được những phương án đảm bảo công bằng, khách quan nhất trong cả nước khi vận hành.

Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là công tác tổ chức tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tại các trường THPT, có đưa được những thông tin cần thiết đến cho học sinh hay không, và các trường đại học, cao đẳng có trao đổi, chia sẻ với các thí sinh trước thềm kỳ thi và đăng ký nguyện vọng. Đồng thời, mỗi thí sinh phải tự có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, tự tìm hiểu và tiếp cận với thông tin tuyển sinh của các nhà trường để có những định hướng phù hợp nhất” - Ths. Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo (trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh).

Cẩm Mịch

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (5)

Tin nổi bật