Kỳ thi tốt nghiệp THPT khép lại cũng là lúc một cánh cửa khác đầy áp lực mở ra. Khi nhận được kết quả thi, nhiều học sinh lớp 12 không khỏi cảm thấy hoang mang, lo lắng, tựa như “đứng giữa ngã ba đường”. Việc lựa chọn ngành học, định vị ngôi trường phù hợp vẫn là một bài toán hóc búa với không ít thí sinh và gia đình.
Các em không chỉ đối mặt với một "ma trận" hàng trăm tên ngành học khác nhau mà còn phải chịu sức ép vô hình từ kỳ vọng của phụ huynh, những định hướng của xã hội và nỗi sợ cố hữu về việc “học nhầm ngành, đi sai đường”.
Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Minh, một thí sinh tại Đồng Nai, là một minh chứng điển hình. "Em thực sự đam mê và muốn theo đuổi ngành Thiết kế đồ họa, nhưng bố mẹ lại cho rằng ngành này không ổn định, tương lai khó xin việc," Minh chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại. Nỗi băn khoăn giằng xé giữa việc theo đuổi đam mê cá nhân hay lựa chọn một ngành học có “đầu ra” an toàn hơn như Kinh tế đang là gánh nặng tâm lý lớn đối với em.
Tình trạng phân vân giữa khát vọng bản thân và kỳ vọng gia đình không chỉ là câu chuyện của riêng Minh. Mai Diệu Anh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nữ sinh này đã dành cả năm lớp 12 để dồn sức ôn luyện khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) với mục tiêu duy nhất là trúng tuyển vào ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCm), nuôi dưỡng ước mơ trở thành biên tập viên từ thuở nhỏ.
Tuy nhiên, sau khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 kết thúc, Diệu Anh cay đắng nhận ra mức điểm dự kiến của mình khó có thể cạnh tranh được với điểm chuẩn rất cao của ngành học này ở nguyện vọng 1.
Khi nhận được kết quả thi, nhiều học sinh lớp 12 không khỏi cảm thấy hoang mang, lo lắng, tựa như “đứng giữa ngã ba đường”. Ảnh minh họa
“Nhìn lại điểm chuẩn các năm trước, em thấy điểm của mình chỉ ở mức an toàn, không đủ sức bứt phá. Giờ đây, em không biết nên chuyển hướng sang một ngành khác có liên quan đến báo chí, hay mạo hiểm thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới,” Diệu Anh tâm sự.
Hiện tại, nữ sinh đang cân nhắc giữa các ngành như Marketing, Kinh doanh quốc tế hoặc Luật Thương mại quốc tế, với suy nghĩ rằng đây có thể là những con đường vòng để sau này chuyển hướng sang lĩnh vực truyền thông hoặc viết lách. Dù vậy, em vẫn không giấu được sự tiếc nuối vì mục tiêu ban đầu đã vuột mất và nỗi lo sợ phải theo học một ngành mà mình không thực sự yêu thích.
Trên thực tế, nhiều học sinh thừa nhận rằng các em cảm thấy “đọc mô tả ngành mà không hiểu gì”. Trong khi đó, phụ huynh lại có xu hướng định hướng con em mình vào các ngành được cho là “ổn định” như Y Dược, Sư phạm, Kế toán.
Đáng nói hơn, không ít trường hợp các em chọn ngành chỉ vì bạn bè rủ rê, có người thân đang theo học, hoặc đơn giản vì ngành đó có điểm chuẩn cao và mặc định rằng "điểm cao là ngành tốt". Chính sự thiếu hụt trong việc tự đánh giá năng lực bản thân, thiếu thông tin và định hướng nghề nghiệp từ sớm đã biến giai đoạn quan trọng này trở thành một áp lực khổng lồ.
Trước bối cảnh đó, nhiều thí sinh đã chủ động tìm kiếm những hướng đi an toàn hơn. Theo báo Dân trí, tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), ngay sau khi biết điểm thi, lượng thí sinh đến tìm hiểu và đăng ký xét tuyển học bạ vào các ngành học yêu thích đã tăng lên đáng kể.
Theo quy định, thí sinh sẽ có thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7. Đây là khoảng thời gian vàng để các bạn đưa ra quyết định sau cùng khi đã có trong tay kết quả thi.
Phân tích phổ điểm năm nay cho thấy, nhiều môn thi có mức điểm trung bình không cao, đặc biệt là ở các tổ hợp xét tuyển chứa môn Tiếng Anh và Toán. Cụ thể, phổ điểm môn Toán tập trung chủ yếu ở khoảng 3,0 - 5,5 điểm (điểm trung bình 4,78) và môn Tiếng Anh tập trung ở khoảng 4,5 - 5,75 điểm (điểm trung bình 5,38). Thực tế này khiến không ít thí sinh có học lực khá vẫn cảm thấy bất an về khả năng trúng tuyển bằng điểm thi.
Theo quy định, thí sinh sẽ có thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7. Ảnh minh họa
Lúc này, phương thức xét tuyển học bạ, với tính linh hoạt và sự ghi nhận quá trình nỗ lực học tập dài hạn, đã trở thành một kế hoạch song song, một “phao cứu sinh” chiến lược. Thay vì bị động chờ đợi, thí sinh đã chủ động đăng ký xét học bạ như một phương thức nhân đôi cơ hội vào đại học. Việc có nhiều tổ hợp môn để lựa chọn cũng giúp các em phát huy tối đa lợi thế học tập của mình, đặc biệt khi những môn như Toán, Văn, Tiếng Anh có kết quả tốt trong học bạ nhưng lại chưa đạt kỳ vọng ở kỳ thi vừa qua.
Khi điểm thi tốt nghiệp THPT bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan và không như mong đợi, xét tuyển học bạ trở thành chìa khóa chiến lược để các bạn học sinh chắc suất vào đại học. Với sự chủ động lựa chọn tổ hợp môn thế mạnh dựa trên điểm học bạ lớp 12, thí sinh hoàn toàn có thể tự tin hơn trên hành trình chinh phục giảng đường đại học và theo đuổi nhóm ngành mình yêu thích.