Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tuyển sinh 2024: Ngành học dễ hiểu lầm "bị ghét", điểm chuẩn thấp, thu nhập đáng mơ ước

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Nhiều người chưa hiểu rõ học Bảo hiểm ra trường sẽ làm công việc gì, hay chỉ đơn thuần là làm tư vấn bảo hiểm. Thực tế, nhiều người theo học ngành này còn "bị ghét".

Học Bảo hiểm là học gì, làm gì?

Trao đổi trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Phụng - Trưởng khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính cho biết, chuyên ngành Bảo hiểm của Học viện Tài chính có tên gọi đầy đủ là Tài chính bảo hiểm nằm trong ngành Tài chính - Ngân hàng.

Theo vị lãnh đạo trường học, với những kiến thức được trang bị, sinh viên chuyên ngành Tài chính bảo hiểm ra trường có rất nhiều “bến đỗ” để lựa chọn.

Sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như nhân viên kinh doanh, nhân viên kế toán, nhân viên đầu tư, nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhân viên quản lý, đại lý hay nhân viên cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Tại các ngân hàng thương mại, sinh viên có thể đảm nhận ở các bộ phận kinh doanh, Bancassurance (kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng), các bộ phận phát triển mạng lưới và quản lý hỗ trợ đại lý trong các ngân hàng thương mại.

Nhiều người đang có quan niệm sai lầm về sinh viên học ngành Bảo hiểm. Ảnh minh họa 

Tại các cơ quan quản lý như Cục quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam,... sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận công việc liên quan đến quản lý nhà nước về bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tại các cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sinh viên ra trường có thể thực hiện các công việc quản lý thu bảo hiểm, giải quyết chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cử nhân chuyên ngành Tài chính bảo hiểm có thể làm các công việc về nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Làm việc ở vị trí nào là phụ thuộc vào năng lực và sở thích của sinh viên, cũng như sự phân công từ phía cơ quan, doanh nghiệp.

Ngành bảo hiểm là "đường băng" cho nền kinh tế

Cùng nêu quan điểm về ngành Bảo hiểm, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, thị trường bảo hiểm thực chất là một phần của thị trường tài chính.

Nếu đứng từ góc độ của nền kinh tế thì ngành bảo hiểm chính là “đường băng” cho nền kinh tế. Đây là đường băng cất cánh nhưng cũng là đường băng hạ cánh khi có vấn đề.

Ngành Bảo hiểm thuộc về khối ngành Kinh tế nên sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức chung của ngành Kinh tế, sau đó là kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành về Bảo hiểm.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh ngành Bảo hiểm và vai trò của bảo hiểm trong đời sống, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Phụng nhận định, hoạt động bảo hiểm đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế, đây là một lá chắn kinh tế trước những rủi ro, bảo vệ và ổn định cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về ngành Bảo hiểm, cũng như các sản phẩm bảo hiểm. Sự sa sút lòng tin của người dân đối với bảo hiểm cũng là trở ngại cho công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Bảo hiểm.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cho thấy nhân sự ngành bảo hiểm có mức thu nhập "khủng". Ảnh minh họa 

Để khắc phục điều này, thầy Phụng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, có các sản phẩm bảo hiểm thỏa mãn được nhu cầu của người dân.

Đồng thời, cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống, từ nhà nước, doanh nghiệp, xã hội để người dân nhận thức đúng đắn, đánh giá một cách khách quan, công tâm đối với ngành Bảo hiểm.

Thu nhập đáng mơ ước

Dân trí dẫn báo cáo tài chính năm 2023 của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cho thấy nhân sự ngành bảo hiểm có mức thu nhập "khủng", vượt xa mức thu nhập bình quân cả nước.

Tại 3 công ty bảo hiểm đứng đầu danh sách trả lương cao trong năm 2023 gồm FWD Việt Nam, Prudential Việt Nam và Fubon Việt Nam, mức thu nhập bình quân cho một nhân viên từ 794 triệu đồng đến hơn 1,4 tỷ đồng/năm, tương đương hơn 66 triệu đồng đến 117 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập này cao gấp 9,3 lần đến 16,5 lần so với thu nhập bình quân cả nước.

Hiện nay, chưa nhiều trường đại học đào tạo ngành bảo hiểm độc lập. Phần lớn, bảo hiểm mới dừng lại là môn học hoặc chuyên ngành trong ngành tài chính ngân hàng tại các trường.

Giám đốc tuyển sinh một trường đại học ở TP.HCM cho hay, hầu hết các trường chưa có ngành bảo hiểm riêng để trang bị kiến thức toàn diện hơn cho người học cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn kinh doanh trong ngành bảo hiểm.

Việc đào tạo nhân lực về bảo hiểm trong các trường đại học vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực này.

Điều này dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng trong lĩnh vực bảo hiểm, nhiều người là "dân tay ngang" đi bán bảo hiểm không hề có đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và cả đạo đức nghề nghiệp.

Theo kết quả đánh giá uy tín của các công ty bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện, có đến 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự. Đáng chú ý, 40% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát có tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành bảo hiểm chỉ dưới 10%.

Tin nổi bật