(ĐSPL)- Phát hiện tượng một con hổ theo dòng chảy của sông Lam và quẩn quanh trước mũi thuyền của mình, một ngư dân đã vớt tượng lên bờ. Sau đó một số cô đồng, thầy bói tìm về xin rước đi thờ phụng, nhưng đều không được.
Vậy mà khi xin xây miếu tại chỗ, đồng âm dương lại rất thuận. Chỉ trong một thời gian ngắn được dựng lên, nhiều tin đồn lan truyền trong dân cho rằng ngôi miếu này rất thiêng, giúp cuộc sống người dân chài nơi đây khấm khá, phát đạt hơn trước, nhất là hai người đàn ông bỏ tiền xây miếu(?!). Để tìm hiểu rõ thực hư đằng sau câu chuyện có phần kỳ bí này, phóng viên đã vào cuộc và phát hiện ra một sự thật khác đằng sau vẻ liêu trai, kỳ bí…
Lời đồn quanh bức tượng bập bềnh ở vùng "nước chết"
Trên trục đường sinh thái nối liền giữa nội thành Vinh với Cửa Hội, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), mới đây, người ta thấy xuất hiện một bàn thờ nhỏ bên hành lang giao thông, thuộc địa phận xóm Ngư Phong, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc). Thoạt nhìn, giống bàn thờ vọng, nhưng một số người dân xung quanh lại gọi nó là miếu "Hoàng Tử Mẫu". Người viết đã tìm đến một số hộ gia đình sống xung quanh để hiểu rõ hơn gốc gác của ngôi miếu này.
Người dân ở đây kể lại, ngày 17/3/2014, đang làm lưới dưới thuyền, cha con ông Nguyễn Công Thắm, trú tại xóm Ngư Phong bỗng thấy một bức tượng hình con hổ trôi bập bềnh xung quanh thuyền. Thấy lạ, họ vớt lên để trên bờ đặt vào chỗ đất khô ráo. Bức tượng có màu vàng nặng khoảng 20kg, cao khoảng 1m, rộng nhất là 30cm, hẹp nhất là 29cm.
Sự việc nhanh chóng lan rộng trong địa phương, nhiều người hiếu kỳ tìm đến xem. Một số người cho rằng đây không đơn thuần là chuyện bình thường, mà có yếu tố tâm linh trong đó?! Cũng có một vài cô đồng, thầy bói ở các khu vực lân cận tìm đến xin được rước "Ngài" về để thờ cúng, nhưng không ai "xin được Ngài". Duy chỉ có một cô đồng đến thắp hương, làm lễ xin đồng âm dương để dựng một cái miếu ngay tại nơi vớt tượng theo hướng Đông Nam là được chấp thuận. ít lâu sau, người dân ở đây thấy ông Thắm và một ngư dân khác tên Hồng tiến hành xây dựng cái miếu nhỏ này, gọi tên là “Hoàng Tử Mẫu". Cứ đến mồng 1 và ngày rằm, một số ngư dân lại mang tiền vàng, thịt sống hoặc hoa quả tới cúng.
Nghe truyền rằng, từ sau khi lập bàn thờ, nghề cá của bà con địa phương gặp nhiều thuận lợi hơn, kinh tế nhờ thế khấm khá hẳn. Riêng hai "nóc" (cách gọi theo hộ gia đình của bà con vùng biển - PV) nhà ông Thắm và ông Hồng là thấy rõ hơn hết. Kể cả những ngày biển động, sông nước mất mùa, họ vẫn kiếm được cá để bán. Một số người cho rằng, đây là một ngôi miếu thiêng (?!). Tiếng lạ ngày càng đồn xa...
|
Ngôi miếu thờ “Hoàng Tử Mẫu”. |
Ai đã đạo diễn kịch bản bịp bợm?
Chúng tôi tìm về địa phương đúng vào ngày mồng 1/8 (âm lịch), đàn ông trong làng vắng bóng hẳn. Một phụ nữ của xóm cho biết, mọi người đều đang tập trung về miếu Đông Hải (hay còn gọi là miếu Cá ông - PV) để cầu mưa thuận, gió hòa, biển êm. Đây là một trong những thói quen của bà con làng Ngư Phong và các vùng biển lân cận. Tuy nhiên, tại ngôi miếu mới lập có tên "Hoàng Tử Mẫu" không hề có một bóng người lai vãng. Chị Nguyễn Thị H., sống ở gần miếu cho hay: "Người làm nghề đi biển như chúng tôi rất coi trọng chuyện tâm linh. Những ngày như thế này, hầu như nhà nào cũng đi đến làm lễ, thắp hương ở miếu Đông Hải. Chỉ có số ít là thắp thêm ở miếu thờ tượng con hổ mới lập kia thôi. Nhà chúng tôi gần thế, nhưng cũng chưa bao giờ đến đó đặt lễ lạt, cúng bái. Tiếng đồn ở đâu, chứ người dân đây họ không thích việc lập miếu của hai ông Thắm và Hồng".
Nhận thấy có những ý kiến trái chiều về ngôi miếu trên, người viết đã tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng xóm Ngư Phong, được ông này kể cho nghe bản chất sự việc như sau: "Chúng tôi đã nắm được sự việc ngay sau khi bố con anh Thắm vớt được cái tượng hổ kia lên. Những ngày sau đó, nhận thấy việc một số thầy bói, cô đồng về cúng bái, tôn vinh bức tượng kia như thể một vị thần linh giáng xuống có dấu hiệu không ổn, dễ gây mất tình hình trật tự tại địa phương, tôi đã trực tiếp tìm hiểu sự việc. Thực chất, bức tượng hổ kia vốn là vật trang trí của một nhà thờ họ trong xã. Khi tu sửa lại nhà thờ, họ đã thay mới bức tượng hổ này bằng một bức khác. Theo quan niệm tâm linh của một số bậc tiền bối, bức tượng này không thể đập vỡ, vứt đi hay chôn cất, chỉ có cách duy nhất là thả trôi sông".
ông Hải cũng cho chúng tôi biết thêm, đoạn sông vớt được bức tượng hổ kia vốn là khu vực quẩn nước. Trước, thi thể của những người xấu số chết trên dòng Lam này đều trôi dạt về đây. Cho nên, chiếc tượng hổ kia cũng không ngoại lệ.
"Trong số những người "hành nghề âm" đến đây làm lễ, có một cô đồng vốn là người Nghi Phong (Nghi Lộc). Khi thắp hương xong, cô này bắt đầu phán rằng, mình là do "Mẫu" nhập vào để truyền đạt những chuyện tâm linh liên quan đến bức tượng hổ. Quan sát kỹ, tôi thấy cô ta có dấu hiệu lừa đảo, phán lung tung nên đã cảnh cáo cô này và không cho làm việc gì ở đó nữa, tránh gây hoang mang cho bà con. Sau đó, cô đồng kia rất năng lui tới nhà hai ông này. Không hiểu cô ta "nhồi sọ" cái gì mà cả ông Thắm và ông Hồng quyết đóng góp tiền để tự xây lên cái miếu, bất chấp sự phản đối nhiều người trong thôn xóm. Đây chỉ là một hành động tự phát của vài cá nhân thôi, chứ không được sự đồng tình của xóm và nhân dân", ông Hải bức xúc cho hay.
Cũng từ nguồn tin này được biết, miếu kia xây hết 11 triệu đồng, trong đó, cô đồng đã bỏ 5 triệu đồng. "Tôi cho rằng, mấu chốt của sự việc là hai người này bị chính cô đồng kia lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của họ để xây miếu, hòng trục lợi cho mình thôi. Chứ bản chất chiếc tượng hổ kia không mang một ý nghĩa nào cả", người xóm trưởng nêu suy nghĩ của mình.
Khi được hỏi về việc từ lúc lập miếu, kinh tế địa phương và cụ thể là gia đình hai ông Thắm, ông Hồng làm ăn khấm khá hơn có đúng không, ông Hải lắc đầu bảo: "Kinh tế của xóm Ngư Phong vẫn thế thôi, chứ không có chuyện phát đạt hơn trước. Làm nghề biển phụ thuộc vào biển. Không hiểu cô nghe ở đâu, nhưng tôi khẳng định không có chuyện đó".
Để có thông tin đa chiều cho sự việc, chúng tôi đã liên lạc tìm đến nhà ông Thắm và ông Hồng tìm hiểu rõ hơn. Tuy nhiên, khi đến nhà ông Hồng thì ông này lại đẩy sang nhà ông Thắm với lý do: "Tôi chỉ góp công xây thôi chứ không biết gì, cô cứ sang ông Thắm kể cho nghe đầy đủ". Còn liên lạc qua điện thoại với ông Thắm, ông này một mực từ chối gặp trực tiếp "vì đang ở rất xa và hiện có việc bận nên không thể nói qua điện thoại được".
Những con người sống dựa vào biển, sông nước luôn coi trọng nét văn hóa này. Từ đây, một số kẻ xấu đã lợi dụng để "tiêm nhiễm" những thông tin không lành mạnh, hòng có đất "hành nghề". Chúng tôi mong bài viết này sẽ giúp người dân đừng quá tin vào các chuyện "ma mị", một cách mù quáng.
|
Ông Nguyễn Công Nam - Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ trao đổi với PV. |
Chủ tịch UBND xã Phú Thọ: "Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm"
Phải đến khi chúng tôi tới làm việc, ông Nguyễn Công Nam, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ mới hay biết sự việc, do xóm không báo lên.
Tuy nhiên, sau các cuộc điện thoại trao đổi trực tiếp với xóm trưởng, ông Nam đã khẳng định với báo chí rằng: "Chúng tôi tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng kiên quyết không để cho bất cứ trường hợp mê tín dị đoan nào lợi dụng để hành nghề tại địa phương. Việc tự lập miếu từ trước tới nay tại địa phương là chưa có. Tuy mới biết, nhưng chúng tôi kiên quyết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp giả mạo, lợi dụng truyền bá văn hóa không lành mạnh".