Ngày 19/7, Thiếu tướng Christian Freuding, người đứng đầu Trung tâm Tình hình Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng Đức tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga đặt mục tiêu có thể phóng 2.000 máy bay không người lái (UAV) về phía Ukraine cùng lúc.
Con số đáng kinh ngạc này được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tục mở rộng năng lực sản xuất UAV.
Trước đó, Cơ quan Tình báo nước ngoài Ukraine (SZRU) thông báo với Politico vào tháng 6 rằng Điện Kremlin có kế hoạch sản xuất 2 triệu UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) và 30.000 UAV tầm xa cùng UAV mồi nhử vào năm 2025, đánh dấu sự mở rộng đáng kể trong chương trình tác chiến UAV của Moscow.
Theo Airwars, một tổ chức giám sát xung đột có trụ sở tại London, từ ngày 13/9/2022 đến ngày 30/2023, lực lượng Nga đã phóng gần 2.000 chiếc UAV vào Ukraine. Tuy nhiên, con số này đã tăng vọt vào năm 2025. Chỉ riêng trong tháng 6, Moscow đã phóng kỷ lục 5.337 UAV.
Theo Thiếu tướng Christian Freuding, Nga đặt mục tiêu có thể phóng 2.000 máy bay không người lái (UAV) về phía Ukraine cùng lúc. Ảnh minh họa
Bình luận của Thiếu tướng Freuding được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tục tăng cường các cuộc tấn công bằng UAV vào các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây, bao gồm cả các cuộc tấn công vào các khu vực cực tây của Ukraine.
Đặc biệt, vào ngày 9/7, Nga đã triển khai kỷ lục 728 UAV.
Robert "Magyar" Brovdi, chỉ huy Lực lượng Hệ thống Không người lái của Ukraine, từng cảnh báo vào ngày 4/7 rằng các cuộc tấn công bằng UAV của Nga có thể leo thang tới 1.000 cuộc mỗi ngày.
Trước nguy cơ các cuộc tấn công dữ dội từ Nga ngày càng gia tăng, Thiếu tướng Freuding chia sẻ với chương trình podcast Nachgefragt của Bundeswehr rằng Ukraine có thể gián tiếp chống lại các cuộc tấn công bằng cách nhắm mục tiêu vào các địa điểm sản xuất của Nga bằng tên lửa tầm xa.
Ukraine cũng thường xuyên tấn công các cơ sở sản xuất quân sự trên lãnh thổ Nga, đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí tầm xa để tăng cường năng lực.
Đầu tháng này, Thiếu tướng Freuding thông báo rằng Ukraine sẽ bắt đầu nhận được hàng trăm hệ thống vũ khí tầm xa sản xuất trong nước vào cuối tháng 7 theo một thỏa thuận do Đức tài trợ. Thông báo này được đưa ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận với NATO về việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.