(ĐSPL) - Tuần phủ Hà Tiên Trịnh Đường lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn. Trịnh Đường sau đó bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).
Minh Mạng (1820 - 1841) là vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Đó là một vị vua được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao, là một ông vua thông minh, tài giỏi, chăm lo việc nước với mong muốn triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. Sau 20 năm trị vì đất nước, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính nhằm củng cố quyền lực của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Về mặt kiến thiết, vua Minh Mạng tiến hành cuộc đại trùng tu quy mô ở Kinh thành và Hoàng thành Huế. Nhiều cung điện, đền đài, miếu được xây dựng mới. Một số cung điện cũ cũng được mở rộng, chỉnh trang, làm gia tăng nhu cầu bài trí nội, ngoại thất các cung điện này. Bên cạnh đó, vua Minh Mạng luôn luôn ý thức được vị trí và trách nhiệm lịch sử của mình. Ông từng có ý thức tự hoàn thiện tài năng và nhân cách để sẵn sàng gách vác trọng trách mà vua cha giao phó.
Trong những ông vua triều Nguyễn, Minh Mạng là người rất chú ý tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị. Đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Là một ông vua luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh, người có công cho dù người đó là ai; người nào tham ô của công cho dù người đó làm quan với chức vụ cao đều bị vua Minh Mạng xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi cả pháp luật.
Năm 1834, Tuần phủ Trịnh Đường tham ô tới 1.000 quan tiền bị phát giác. Trước kia khi quân Xiêm (Thái Lan) tiến sát tỉnh Hà Tiên, Tuần phủ Hà Tiên Trịnh Đường lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Sau khi tỉnh Hà Tiên thu phục, Trịnh Đường lại tâu tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến khi Tham tán Hồ Văn Khuê phát giác, chỉ đích danh tham tặc và tâu lên, vua Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn tuyên dụ: “Trịnh Đường trước đây có lỗi đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dung. Để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét. Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao Viện tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên ”. (Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, tập XIV, tr.363-364). Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).
Luật nay: Phải dựa trên quy định của pháp luật hiện hành
Những sử liệu trên cho thấy, tệ nạn tham nhũng của công được vua Minh Mạnh trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù giá trị kinh tế của tài sản ấy đều tương đối không lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là lương tâm, kỷ cương, phép nước.
Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, khi định khung hình phạt, các cơ quan chắc năng phải dựa trên quy định cụ thể. Theo Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội tham ô tài sản được quy định như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Gây hậu quả nghiêm trọng; B) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; C) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Có tổ chức; B) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; C) Phạm tội nhiều lần; D) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, muốn khép tội một người có hành vi tham ô thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành.