Nguồn lây của cúm A/H5N1
Báo Giao Thông dẫn lời PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, cúm A/H5N1 là bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc chết do bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh.
Loại cúm này vẫn lưu hành trên đàn gia cầm, sau đó lây từ vùng này sang vùng khác và khó khống chế. Virus gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%.
Con đường lây nhiễm cúm A/H5N1 dễ nhất là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ảnh minh họa
Con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, virus cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.
"Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan với cúm A/H5N1, phải chú ý phòng dịch, không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm. Nếu chúng ta không dập tắt được dịch từ gia cầm thì dịch cúm sẽ lây sang người", ông Phu cho biết.
Theo chuyên gia y tế, cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, người nhiễm thường có biểu hiện nặng, với tỷ lệ tử vong tương đối lớn. Tại Việt Nam, từ 2003 đến nay, ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1 trong đó có 65 người tử vong (50,8%).
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng vi rút cúm A/H5N1. Còn trong nước, tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Phân biệt cúm A với cúm A/H5N1
Để phân biệt cúm A với cúm A/H5N1, mọi người cần lưu ý, cúm mùa là lây từ người sang người còn cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, chưa phát hiện lây từ người sang người.
Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... Các triệu chứng khác như đau bụng, đau ngực, tiêu chảy.
Cúm A/H5N1 triệu chứng thường nặng hơn và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc ăn thịt gia cầm nấu chưa kỹ… Đặc biệt, người mắc cúm A/H5N1 có nguy cơ diễn tiến nặng, dễ có biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong.
Có nên ăn trứng và thịt gà, thịt vịt khi có dịch cúm gia cầm?
Trứng và thịt gà là thực phẩm được nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên, những ngày gần đây khi có thông tin một người bệnh 21 tuổi tử vong do mắc cúm A/H5N1 khiến nhiều người hoang mang. Một số người lo sợ nhiễm cúm A/H5N1 nếu ăn trứng hoặc thịt gà, thịt vịt. Vậy, liệu người dân có cần thiết phải loại bỏ thịt gia cầm và trứng ra khỏi thực đơn hằng ngày khi có dịch cúm gia cầm không, cách nào để ăn thịt gia cầm an toàn, đó là thắc mắc của rất nhiều người nội trợ. Dưới dây là một số giải đáp:
Tuyệt đối không ăn thịt gà sống hoặc nấu chưa chín hẳn
Không nên ăn trứng gà, thịt gà, thịt vịt tái, sống vì có thể chứa vi khuẩn gây ngô độc. Ảnh minh họa
Bất kể vì lý do gì không bao giờ nên ăn thịt gà sống hoặc thịt gà "tái" vì gà sống có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn phổ biến nhất từ gà bao gồm: Campylobacter; Salmonella; Clostridium perfringen; E.coli.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bao gồm sốt, đau bụng, tiêu chảy và đôi khi buồn nôn và ói mửa có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm và tùy thuộc vào vi khuẩn. Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng từ thịt gà nhiễm khuẩn.
Nấu chín thịt gà ở nhiệt độ nào là an toàn?
Phần trung tâm của thực phẩm là phần nằm ở tâm nên mất nhiều thời gian để hấp thụ nhiệt hơn hẳn phần bên ngoài. Việc đo nhiệt độ bên trong của thực phẩm là điều lý tưởng để xác định đặc tính và độ an toàn của thực phẩm.
Các chuyên gia của Trung tâm Sức khỏe và an toàn công việc Canada (CCOHS) cho biết cúm gia cầm không lây lan qua thực phẩm nấu chín. Không có bằng chứng nào cho thấy ăn thịt gia cầm hoặc trứng nấu chín có thể truyền virus sang người.
Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan y tế khắp thế giới đều khuyến cáo nấu ăn đúng cách là một biện pháp chung tốt và điều này càng quan trọng hơn ở những quốc gia có dịch cúm gia cầm. Virus có thể bị tiêu diệt bởi nhiệt nên gia cầm phải được nấu ở nhiệt độ bên trong là 74 độ C để đảm bảo an toàn khi ăn. Một số chuyên gia còn khuyên nên nấu thực phẩm đạt tới nhiệt độ bên trong cao hơn 80 độ C. Trứng cũng phải được nấu chín kỹ cả lòng đỏ, không ăn trứng chần.
Có nên ăn trứng và gia cầm khi có tin dịch cúm gia cầm không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc ăn thịt gia cầm và trứng là an toàn khi chúng được xử lý đúng cách và nấu chín kỹ. CDC khẳng định thêm rằng "việc xử lý và nấu đúng cách gia cầm và trứng ở nhiệt độ bên trong là 74 độ C sẽ tiêu diệt vi khuẩn và virus, bao gồm cả virus H5N1". Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo người dân không ăn thịt, trứng từ gia cầm bị bệnh.
Để giữ an toàn khỏi bệnh tật do thực phẩm, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo cần xử lý và nấu thịt gia cầm và trứng đúng cách, tuân thủ các biện pháp sau:
Rửa tay bằng nước ấm với xà phòng trong ít nhất 20 giây trước và sau khi xử lý thực phẩm.
Làm sạch thớt, bát đĩa, đồ dùng và mặt bàn bằng nước xà phòng nóng sau khi chuẩn bị từng món ăn.
Tách thịt gia cầm sống và trứng ra khỏi các thực phẩm khác.
Sử dụng một chiếc thớt cho sản phẩm tươi sống và một chiếc thớt khác cho thịt gia cầm sống.
Không bao giờ đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa đã đựng thịt sống trước đó, kể cả thịt gia cầm hoặc trứng trừ khi đĩa đó đã được rửa bằng nước xà phòng nóng.
Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng trứng cứng lại. Chỉ sử dụng các công thức yêu cầu trứng phải được nấu chín hoặc đun nóng kỹ.
Sử dụng nhiệt kế thực phẩm là cách tốt nhất để đảm bảo rằng các món ăn từ thịt gia cầm và trứng được nấu chín đúng cách. Những thực phẩm này phải được nấu ở nhiệt độ bên trong tối thiểu an toàn là 74 độ C đối với gia cầm và trên 71 độ C đối với các món có trứng, thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống.
Thùy Dung (T/h)