Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ nói gì về trường hợp nam sinh viên tử vong do nhiễm cúm A/H5

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Theo bác sĩ Lệnh, triệu chứng khởi đầu của bệnh nhân Đ. rất giống các bệnh cúm thông thường khác nên các bác sĩ không nghĩ tới là bệnh nhân nhiễm cúm A/H5.

Pháp luật TP.HCM dẫn lời bác sĩ Lê Quang Lệnh: "Đây là trường hợp đầu tiên nên thường rất khó chẩn đoán. Vấn đề là ở chỗ mình không nghĩ đến bệnh nhân nhiễm cúm vì địa phương chưa có ổ dịch, chưa có cảnh báo. Nếu nghĩ đến đó là bệnh cúm cúm A/H5 sẽ lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi Viện Pasteur xét nghiệm ngay.”

Theo bác sĩ Lệnh, triệu chứng khởi đầu của bệnh nhân Đ. rất giống các bệnh cúm thông thường khác nên các bác sĩ không nghĩ tới là bệnh nhân nhiễm cúm A/H5.

“Điều này là rất đáng tiếc. Ca đầu rất khó để chẩn đoán đúng và đây là điều đáng tiếc của chúng tôi”, bác sĩ Lệnh nói.

Ký túc xã nơi nam sinh viên nhiễm cúm A/H5 từng ở. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lệnh, với trường hợp này bệnh viện có chẩn đoán đúng ngay từ đầu thì cũng không có thuốc điều trị, vì chủng cúm này tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

“Lúc nhập viện bệnh nhân Đ. không có biểu hiện gì của bệnh hô hấp mà chỉ sốt cao giống như các bệnh cúm khác như giảm tiểu cầu, đau đầu, xung huyết, đau bụng, tiêu chảy... như bệnh sốt xuất huyết.

Ngay cả khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng suy hô hấp, cúm. Tuy nhiên, lúc này bệnh đã biến chứng. Cái khó của bệnh này là diễn biến rất nhanh, chỉ một hay hai ngày các cơ quan bên trong bị phá hủy, nhất là phổi”, bác sĩ Lệnh cho hay.

“Với tư cách bác sĩ, ước muốn thì nhiều nhưng đôi khi cũng lực bất tòng tâm. Nếu phát hiện sớm chắc chắn đỡ phần nào, tuy nhiên gặp đúng ca nặng, chuyển biến nhanh như vừa qua cũng rất khó cứu chữa” - bác sĩ Lệnh cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ này, hiện bệnh cúm A/H5 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc điều trị chỉ là hỗ trợ sức đề kháng để cơ thể vượt qua. Nếu trường hợp cúm A/H5 diễn biến nặng như trường hợp ca bệnh nam sinh viên vừa qua, các y bác sĩ cũng chỉ can thiệp để giữ lấy tính mạng chứ không phải dùng thuốc điều trị đặc hiệu, việc giữ tính mạng được hay không cũng khá mong manh.

Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm từ cúm gia cầm như gà, vịt, chim và động vật hoang dã, lây cho người. Đây là chủng cúm độc lực cao, người bệnh thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine dự phòng. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người.

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A/H5N1. Campuchia từ cuối năm 2023 đến nay ghi nhận các ca cúm A/H5N1 trên người.

Trong nước, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Từ đầu năm đến nay phát hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Bên cạnh đó, hiện là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

"Thời gian tới tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người", Bộ Y tế dự báo và khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, thông tin trên báo Vnexpress.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật