Người trong cuộc lên tiếng
Trong livestream (phát trực tiếp) trên trang cá nhân diễn viên Ngọc Lan, cô cho biết, vào 3 năm trước đã mua 2 gói bảo hiểm của Công ty TNHH BHNT Aviva VN cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.
Diễn viên Ngọc Lan livestream tố bảo hiểm nhân thọ.
Do tin tưởng người tư vấn, nên cô đã ký hợp đồng, và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cộng gốc và lãi là 10 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi cộng thêm).
Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, do hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến.
Giống như trường hợp của diễn viên Ngọc Lan, nhiều người cũng đang lâm vào tình trạng "dở khóc, dở cười" vì bảo hiểm nhân thọ.
Theo tìm hiểu của PV, bà N.N.Y (80 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) là một nhà giáo đã nghỉ hưu cũng đang vướng phải “mớ bòng bong” mang tên bảo hiểm nhân thọ.
Chia sẻ với PV, bà Y. cho biết, cách đây khoảng 2 năm, bà mang một khoản tiền tích góp trong bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ra ngân hàng định gửi tiết kiệm. Lúc này, có nhân viên tư vấn cho bà, thay vì gửi tiết kiệm thì bà đầu tư vào bảo hiểm.
Điều đáng nói là, bà Y. là một người lớn tuổi, không nhanh nhạy trong việc cập nhật hết thông tin, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm. Chỉ biết là sau một hồi được nhân viên tư vấn, bà Y. đồng ý mua 2 hợp đồng bảo hiểm nhận thọ cho 2 con. Một Hợp đồng với mức phí định kỳ hàng năm hơn 200 triệu đồng, còn hợp đồng thứ hai với mức phí định kỳ hàng năm hơn 100 triệu đồng.
Sau này nhận bản hợp đồng nhân thọ chuyển về qua đường bưu điện, bà Y. mở ra xem mới tá hỏa khi thấy thời hạn đóng phí của 1 hợp đồng là 47 năm; 1 hợp đồng còn lại thì thời hạn trong vòng 62 năm. Chưa kể, trong cuốn hợp đồng dày hàng trăm trang, bà Y. hoang mang không hiểu hết các nội dung nên đưa cho các con xem thì các con của bà không đồng ý, cho rằng nhân viên tư vấn “tắc trách”, lợi dụng người già không hiểu biết để “đè” ra mua bảo hiểm. Ngay sau đó, các con của bà Y. đã đến gặp đơn vị bảo hiểm yêu cầu làm rõ.
Một trường hợp khác của anh T.Đ.N (ở Cẩm Khê, Phú Thọ). Ngày 16/3/2022, anh N. mua cho mẹ 1 gói bảo hiểm trị giá 22.470.000/1 năm. Ngày 30/11/2022, mẹ anh N. ốm phải đến Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê điều trị, đến ngày 7/12/2022 ra viện.
Sau đó gia đình anh N. đã yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng. Đồng thời, anh N. đã cung cấp, bổ sung rất nhiều các giấy tờ liên quan đến việc điều trị của mẹ anh N. cho công ty bảo hiểm. Tuy vậy, anh N. cho rằng, công ty bảo hiểm đã cố tình gây khó khăn, yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu mà thực thế khách hàng không thể lấy được. Phải rất lâu sau đó và cũng rất vất vả thì cuối cùng công ty bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho mẹ anh N. theo hợp đồng.
Khuyến cáo từ chuyên gia
Chị T.T.H (28 tuổi), chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực bảo hiểm, cho biết: Trong một, hai năm đầu tiên, bên bảo hiểm sẽ trích 85% để bảo vệ tính mạng cho khách hàng. Ví dụ mệnh giá bảo vệ là 800 triệu đồng, khách hàng đóng bảo hiểm một năm là 30 triệu đồng, trường hợp khách hàng bị rủi ro thì sẽ được bảo vệ tổng cộng 800 triệu đồng. Vậy bản chất bảo vệ của bảo hiểm sẽ là lấy đám đông để bảo vệ số nhỏ. Do vậy, bên bảo hiểm sẽ trích 85% trong số tiền 30 triệu đồng vào Quỹ rủi ro cho khách hàng trong những năm đầu tiên để bảo vệ tính mạng. Do vậy mà nhân viên tư vấn bảo hiểm sẽ thường thiết kế hợp đồng cho khách hàng chạy trong 8 - 10 năm mới bảo đảm được quyền lợi cho khách hàng.
TS.Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Cùng nêu quan điểm về trường hợp này, TS.Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Bản chất hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên và được ghi nhận trên cơ sở tự nguyện. Trước khi ký kết Hợp đồng khách hàng phải hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, các hậu quả pháp lý có thể xảy ra và quyết định có ký kết hay không.
Khi đã ký kết vào Hợp đồng thì trách nhiệm pháp lý đã phát sinh và hai bên phải thực hiện, tuân thủ theo các điều khoản đã ký kết trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu những điều khoản thỏa thuận trong Hợp đồng mà vi phạm điều cấm hay trái đạo đức xã hội thì điều khoản đó sẽ vô hiệu.
Theo Luật sư Cường cho biết, thực tế hiện nay, trong quan hệ bảo hiểm thì nhiều khách hàng chỉ nghe theo lời tư vấn của tư vấn viên bảo hiểm để ký Hợp đồng chứ chưa nghiên cứu kỹ Hợp đồng dù có thời gian để nghiên cứu. Lý do được đưa ra là Hợp đồng quá dài, và đôi khi khách hàng đọc cũng không hiểu.
“Nếu như khách hàng chỉ tin lời nhân viên bán bảo hiểm, không đọc kĩ hợp đồng mà vẫn đặt bút kí vào hợp đồng thì rủi ro sẽ thuộc về khách hàng”, Luật sư Cường nói.
Còn Trường hợp nhân viên tư vấn bảo hiểm tư vấn một đằng nhưng các nội dung trong hợp đồng một nẻo thì giao dịch có thể bị vô hiệu do lừa dối theo điều 127 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, khi có tranh chấp xảy ra thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về khách hàng, nghĩa là khách hàng phải chứng minh được nội dung tư vấn không giống với nội dung trong Hợp đồng đã ký kết.
Sự việc của diễn viên Ngọc Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều người khi tham gia bảo hiểm mà không xem xét kỹ các điều khoản trong Hợp đồng cũng như hậu quả pháp lý từ Hợp đồng bảo hiểm ký kết.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng: Không chỉ với giao dịch bảo hiểm mà bất cứ giao dịch nào khách hàng cũng cần phải đọc kỹ để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi ký kết, xác lập giao dịch, không thể cứ ký kết Hợp đồng sau đó phát sinh vấn đề thì cho rằng do chưa được đọc kỹ Hợp đồng. Những trường hợp này thì rủi ro vẫn thuộc về khách hàng bởi việc ký kết trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện.
Từ đó, Luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo: Trước khi tham gia bảo hiểm, khách hàng cần xem xét loại bảo hiểm mình mua là loại hình nào, được pháp luật quy định ra sao, với loại hình này thì quyền lợi bảo hiểm là gì, thời hạn Hợp đồng ra sao, quyền và nghĩa vụ của các bên như thế nào, hậu quả pháp lý và rủi ro có thể xảy ra, trường hợp nào được hoàn tiền hay các trường hợp bảo hiểm từ chối chi trả…. Để từ đó chọn lựa sản phẩm bảo hiểm cho phù hợp với nhu cầu.
Nếu như tham gia bảo hiểm có yếu tố đầu tư thì cần cân nhắc khoản tiền bỏ vào có phù hợp với khả năng tài chính của bản thân hay không. Nếu có những điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm chưa phù hợp với khách hàng thì khách hàng có thể thỏa thuận lại với phía công ty bảo hiểm, trường hợp không được đáp ứng thì có quyền từ chối ký kết Hợp đồng bảo hiểm.
Và cuối cùng, khi đã đặt bút ký vào Hợp đồng thì khách hàng phải thực hiện và tuân thủ các điều khoản trong Hợp đồng, do đó cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi ký.
Tư Viễn