Vụ bạo hành trẻ em tại điểm giữ trẻ Mầm Xanh chưa lắng xuống, mới đây, tại TP.HCM lại tiếp tục xảy ra vụ cô giáo tát trẻ đến nứt xương hàm gây bức xúc dư luận.
Thời gian gần đây liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em mầm non bị tố giác. Mới nhất là vụ bé Ngọc D. ở trường mầm non Ánh Sao Vàng (Bình Chánh, TP.HCM) bị cô giáo kẹp cổ, đánh liên tiếp vào mặt đẫn tới nứt xương hàm.
Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo hành trẻ em ngày một gia tăng…
Ngày 28/7, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã bắt khẩn cấp Trần Thị Hồng Phúc (25 tuổi) để điều tra về hành vi Hành hạ người khác. Bảo mẫu Phúc bị cáo buộc đánh bé Ánh (tên đã thay đổi, 5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nứt xương hàm, mặt bầm tím.
Trước đó, ngày 25/7, người thân đến trường mầm non Ánh Sao Vàng nằm trên quốc lộ 50, xã Đa Phước, đón Ánh thì thấy mặt cháu bé sưng tím. Khi được hỏi, bé gái kể bị cô đánh. Tuy nhiên, khi người thân của cháu hỏi các cô giáo thì không ai trả lời.
Cũng trong chiều hôm đó, bé gái 5 tuổi về nhà trong tình trạng hoảng sợ, khi cô ruột gặng hỏi thì bé cho biết cô giáo đánh và dọa không được kể với ai, nếu không sẽ lấy kéo cắt lưỡi. Bé gái được các bảo mẫu tại đây chườm nước đá và trứng gà để giảm sưng.
Nhóm mẫu giáo Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), nơi xảy ra sự việc bảo mẫu tát bé gái 5 tuổi - Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Ngay sau đó, gia đình đã trình báo với chính quyền địa phương và đưa bé đi bệnh viện khám. Bước đầu, bác sĩ chẩn đoán Chi bị nứt xương hàm.
Tối 26/7, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã nắm được sự và phối hợp UBND huyện Bình Chánh xử lý. Cơ sở mầm non cũng bị đình chỉ hoạt động ngay trong ngày đế phục vụ công tác điều tra. Công an sau đó đã mời bảo mẫu Phúc lên làm việc, trích xuất camera an ninh trong lớp học để điều tra.
Bạo hành trẻ em không phải đến bây giờ mới được đề cập. Thực tế, đã có không ít những vụ bạo hành khiến dư luận xôn xao.
Khoảng cuối năm 2017, vụ bạo hành trẻ xảy ra ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) khiến cộng đồng bức xúc.
Trong clip, 3 cô giáo tại Trường Mầm non Tư thục Mầm Xanh có cách “răn đe”, giáo dục trẻ hết sức tàn nhẫn. Cụ thể, dụng cụ những giáo viên này sử dụng để dạy dỗ các bé từ 12 tháng đến 5 tuổi là can nhựa, ống nhôm, chổi, dao...
Đáng nói, hành động đánh đập, bạo hành trẻ em này có sự tham gia của bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mầm non.
Trả giá cho hành động của mình, tại phiên tòa ngày 25/7 mới đây, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù giam, Phạm Thị Huỳnh 1 năm 6 tháng tù treo, Nguyễn Thị Đào 2 năm tù treo.
Trước đó không lâu là vụ bạo hành trẻ xảy ra tại điểm giữ trẻ số 214/77 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM. Tại cơ sở này, người dân đã ghi lại cảnh bảo mẫu bạo hành lúc cho trẻ ăn. Theo đó, hai bảo mẫu bắt trẻ nằm ngửa ra, liên tục múc cháo đổ vào miệng, bé nào không nuốt thì bị đánh vào đầu, vào mặt để khóc phải há miệng ra. Có những bé nuốt không kịp, bị ói ra liền bị cô giữ trẻ đánh vào đầu, vào đùi và mặt.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho hay, hiện nay, theo tôi tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra khá phổ biến. Dù dư luận đã nhiều lần lên án và pháp luật đã có những điều, khoản để trừng trị những kẻ bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, những cô giáo, bảo mẫu đó lại không nhận thức và kiểm soát được hành vi bạo hành trẻ.
“Như tôi từng nói trong các buổi tọa đàm, tuyên truyền pháp luật rằng, đã là người làm công tác giáo dục, nhất là giáo dục mầm non thì cần phải có lòng yêu trẻ và đức tính nhẫn nại, thiện tâm. Nếu những người dạy trẻ, chăm sóc đời sống tinh thần cho các bé không có được những đức tính đó thì các cô nên đổi nghề” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Ảnh: Người Đưa Tin |
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, để có thể bảo vệ trẻ em, tránh các vụ bạo hành trẻ xảy ra, xã hội và cộng đồng bảo vệ trẻ em nên có biện pháp, chế tài xử lý nặng hơn với những trường hợp bạo hành trẻ em. Ngoài ra, những cơ quan chức năng, có thẩm quyền nên thường xuyên rà soát các cơ sở, các điểm giữ trẻ; camera quan sát phải được kiểm soát chặt chẽ và có người quản lý. Nếu có thể, pháp luật nên có những quy định, điều khoản phạt nặng hơn để có thể răn đe cho toàn xã hội .
Trao đổi trên Lao động thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần tư vấn DLS Việt Nam) cho hay, muốn giải quyết triệt để được vấn đề bạo hành trẻ em thì chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe.
Để hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo hành trong các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, cốt lõi nằm ở phía các cơ quan chức năng. Nói cách khác, cần hạn chế việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non tư nhân, thay vào đó nên đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng các trường mầm non công lập.
“Đối với các cơ sở tư nhân các cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non tư nhân cần phải thẩm định được một cách toàn diện cả về cơ sở vật chất cũng như khả năng nuôi dạy, phẩm chất đạo đức của cơ sở mầm non tư nhân đó.
Cần tăng cường cơ chế phối hợp giám sát chất lượng hoạt động sau cấp phép của các cơ sở mầm non ngoài công lập, xử lý nghiêm vi phạm; nhất là tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, trách nhiệm của UBND xã, phường với nhóm trẻ, lớp mầm non tưthục.
Bắt buộc các cơ sở mầm non tư nhân phải lắp đặt hệ thống camera, giám sát tất cả các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ của cả cô và trẻ. Đặc biệt cần phải rà soát và xử phạt nặng các cơ sở mầm non tư nhân chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên tổ chức trông giữ trẻ để tránh trường hợp có chuyện không hay xảy ra” - Chuyên viên tư vấn luật Nguyễn Ngọc Sinh, chia sẻ.
Cự Giải (T/h)