Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ Uber, Grab, Bitcoin đến câu chuyện về kinh tế số ở Việt Nam

(DS&PL) -

Nghiên cứu cho thấy việc thực hiện phát triển nền kinh tế số hoá có thể khiến cho tổng GDP của khối ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo.

Việc các hãng taxi trong nước phản đối Uber, Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước đồng “tiền ảo” hay chuyện các startup Việt sang Singapore khởi nghiệp đặt ra vấn đề về khung pháp lý đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế số là xu thế tất yếu, TS. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (EPG-AVSE Global) nhận xét.

Nền kinh tế số là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhiều quốc gia vì những đóng góp lớn của nó vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0. Đấy là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hoà.

Nghiên cứu cho thấy việc thực hiện phát triển nền kinh tế số hoá có thể khiến cho tổng GDP của khối ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo. Bởi vậy, nhiều nước đã có động thái quan tâm đến chủ đề này.

Thái Lan tỏ ra khá nhanh nhạy khi mới đây đã chính thức thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số thay thế cho Bộ Công nghệ Thông tin và truyền thông. Chức năng của bộ này nhằm lên kế hoạch, xúc tiến, phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến kinh tế số.

Malaysia cũng đã trích ra từ ngân sách 36 triệu USD để phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nước này cũng thúc đẩy phong trào nhà sáng chế kỹ thuật số với các dự án 100 tỷ USD, dự án triển khai trong 10 năm tới…

Với xu thế đó, câu hỏi đặt ra là Việt Nam liệu có sẵn sàng để bắt kịp?

Báo cáo hàng quý của Akamai cho biết Việt Nam đứng thứ 95 trên thế giới về tốc độ kết nối Internet vào cuối năm 2015 nhưng đến quý I năm nay, vị thứ này đã tăng 37 bậc, xếp thứ 58.

Về mặt cơ sở dữ liệu, Việt Nam hiện có nhiều công ty thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu chuyên dụng cho thị trường. An ninh và bảo mật thông tin cũng có nhiều sự cải thiện khi Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết chỉ số an toàn thông tin tăng theo hàng năm, vượt mức trung bình thế giới lần đầu tiên vào 2016.

Về mặt con người, Việt Nam cũng không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới về tốc độ tăng trưởng người sử dụng trong thị trường điện thoại di động, thiết bị điện tử thông minh, và Internet tốc độ cao.

Cụ thể, tính đến năm 2020, tỷ lệ người sử dụng smartphone tại Việt Nam tăng gấp 30 lần so với năm 2010, với 60 triệu người dùng smartphone chiếm 60% dân số.

“Cơ bản chúng ta sẵn sàng”, TS. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (EPG-AVSE Global) nhận định.

Tuy nhiên, câu chuyện kinh tế số của Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc mà theo ông Hải, nhấn mạnh ở khung pháp lý.

“Các câu chuyện “lùm xùm” xung quanh việc các hãng taxi công khai phản đối Uber và Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước “tiền ảo”, hay các start-up Việt sang Singapore khởi nghiệp phản ánh rõ sự cần thiết trong việc cải cách khung luật ở Việt Nam”, ông Hải nói.

Thực tế cho thấy cải cách luật không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Bởi lẽ khi công nghệ thông tin phát triển theo từng ngày, từng giờ thì không phải khung pháp lý của quốc gia nào cũng bắt kịp tốc độ.

TS. Hải cho biết, tại Anh, bộ luật “Kinh tế số hoá 2017” vừa được thông qua hồi tháng Tư là kết quả của quyết tâm cải cách luật mạnh mẽ gần 10 năm qua trong Chính phủ và Nghị viện quốc gia này.

“Dù vậy nhiều chuyên gia và các tổ chức chuyên môn ngay lập tức lên tiếng cho rằng bộ luật này đã lỗi thời so với thực trạng công nghệ hiện nay”, ông Hải chia sẻ.

Chính phủ Úc hồi tháng Chín cũng cho ra đời một ấn phẩm về “Chiến lược Kinh tế số hoá” nhưng nội dung mới chỉ dừng lại ở những câu hỏi thay vì có những giải pháp cụ thể.

“Trong khi hầu hết các chính phủ trên thế giới đều lúng túng, một điều chắc chắn là việc cải cách luật thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta nhìn nhận tương quan vị thế quốc gia trong bức tranh số hoá quốc tế, và chúng ta muốn ở đâu trong bức tranh đó trong 5, 10 hay 20 năm nữa”, đại diện EPG-AVSE Global bình luận.

Kịch bản nào cho Việt Nam?

Theo TS. Nguyễn Xuân Hải, Việt Nam có hai lựa chọn về kịch bản pháp lý. Hoặc chọn theo cách làm khép cánh cửa với bên ngoài và đặt kỳ vọng với nội lực quốc gia hoặc phá bỏ tối đa rào cản pháp lý để các công ty công nghệ được tự do phát triển, từ đó tìm được vị thế của riêng mình trong chuỗi giá trị số hoá.

Ở kịch bản đầu tiên, ví dụ có thể nhìn thấy rõ là Trung Quốc. Quốc gia này gần như ngăn cấm triệt để sự có mặt của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook… và các sản phẩm công nghệ mới như Bitcoin.

Thay vào đó, họ tạo cơ sở cho sự phát triển của các công ty nội địa như Baidu, Alibaba, Huawei hay Xiaomi. Đến nay, các công ty Trung Quốc không những dẫn đầu “cuộc cách mạng lần thứ tư" ở Trung Quốc mà còn có thể xâm nhập và cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.

Còn ở kịch bản thứ hai, có thể nhìn vào sự phát triển của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Úc, New Zealand, Singapore hay Hong Kong. Khi các công ty và công nghệ quốc tế tự do tham gia vào thị trường, đó sẽ chính là đòn bẩy, là đầu kéo cho nền kinh tế số hoá nội địa đi lên và nhanh chóng đứng ngang tầm với các quốc gia phát triển khác.

Tuy nhiên, mỗi kịch bản đều đem theo những rủi ro riêng, theo TS. Hải. Trong khi kịch bản một có thể cho ra đời những công ty và công nghệ của riêng Việt Nam nhưng cũng có thể dẫn tới sự tụt hậu nghiêm trọng cho nền kinh tế thì kịch bản hai có thể dẫn tới những đột biến trong kinh tế và xã hội chưa lường được trước.

Do đó, kết nối hay không kết nối hay nếu kết nối thì lựa chọn như thế nào sẽ là những bài toán mà Chính phủ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong thời gian tới. Còn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kéo theo nền kinh tế số là một xu thế sẽ không đảo chiều được.

Bên cạnh đó, TS. Hải cũng lưu ý, trong khi câu chuyện cải cách hành lang pháp lý còn bỏ ngỏ, điều quan trọng bây giờ là những chính sách và đầu tư cụ thể trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, kiến tạo trong thời gian sớm nhất một xã hội với lực lượng lao động chất lượng cao, vừa tận dụng được tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin, vừa bảo đảm hoà nhập xã hội.

Đó là điều Việt Nam phải làm ngay, bởi thế giới không bao giờ dừng lại để chờ đợi.

Tin nổi bật