Hiệp hội Vận tải Hà Nội thừa nhận, ứng dụng hợp đồng điện tử vận chuyển hành khách kiểu Uber và Grab đã chiếm lĩnh thị phần, được cả người tiêu dùng lẫn giới lái xe đón nhận.
Theo tin trên Tiền phong, Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa 'kêu gọi' các hãng taxi thành viên của hiệp hội hãy bình tĩnh kiềm chế trước những vấn đề đang diễn ra, không nên có những thái độ phản cảm trong xã hội.
Theo đó, cho rằng đang có sự bất bình đẳng trong hoạt động giữa taxi và xe công nghệ Uber, Grab nên Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề xuất bỏ biển cấm taxi tại các tuyến phố.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ngoài mất mỹ quan, việc treo biểu ngữ đã gây hiệu ứng không tốt trong dư luận. Ảnh: Dân trí |
Văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên ký gửi nêu rõ, trong những ngày vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện các băng rôn, biểu ngữ dán trên kính hoặc đuôi sau xe taxi để phản đối xe công nghệ Uber, Grab. Một trong những biểu ngữ mà các xe dán mang nội dung: “Yêu cầu Bộ GTVT dừng thực hiện thí điểm quyết định số 24”... Ngoài mất mỹ quan, theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc này đã gây hiệu ứng không tốt trong dư luận.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm: “Những nội dung nêu trong các băng rôn dán trên xe taxi là những vấn đề nhạy cảm, đề nghị các doanh nghiệp cần xem xét cẩn trọng làm rõ căn cứ xác định có các số liệu thông tin do cơ quan có trách nhiệm cung cấp; nêu chính xác, nên có văn bản trực tiếp hoặc thông qua hiệp hội để kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết như: Bộ Tài chính; Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội theo quy định”.
Theo diễn biến trên Tuổi trẻ, để taxi hoạt động bình đẳng, đúng pháp luật và tránh những bức xúc không cần thiết của lái xe, doanh nghiệp taxi, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị, cùng với quản lý chặt hoạt động của xe Uber, Grab như quy định, cơ quan chức năng (Bộ GTVT) cần thực hiện ngay một số nội dung: Khẳng định taxi không hoàn toàn là thủ phạm gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; Tiếp tục xác định vận tải taxi là loại hình vận tải công cộng (Điều 66 Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008), do vậy được hưởng các ưu tiên của loại hình vận tải công cộng do thành phố quy định; Sở GTVT Hà Nội rà soát báo cáo UBND thành phố sớm tháo bỏ các biển trên đường phố cấm xe taxi, cắm biển dừng đỗ taxi và đồng ý cho taxi vào tất cả các đường, phố, trừ các đường phố cần quản lý để đảm bảo quốc phòng an ninh, tuyến phố thắt cổ chai…
“Nếu có được điều kiện như trên, dịch vụ taxi sẽ phục vụ được nhiều đối tượng hành khách, nhiều địa điểm khác nhau kể cả ngõ, ngách. Như vậy sẽ hạn chế được xe chạy rỗng, vắng khách, đặc biệt giải tỏa sự ức chế cho lái xe khi cứ phải đối diện thực tế cùng hoạt động như nhau nhưng xe Grab, Uber vào được các phố cấm còn taxi thì không” - lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.
VOV đưa tin, tại các thành phố được phép thí điểm xe Uber và Grab, người dân có điện thoại smartphone có thể cài đặt phần mềm ứng dụng để đặt xe. Ưu điểm của xe ứng dụng công nghệ là xác định rõ lộ trình điểm đi và điểm đến, số điện thoại của tài xế và báo cước phí. Những ưu điểm này đã loại bỏ được hạn chế cố hữu của các xe taxi thông thường như: quãng đường ngắn tài xế ngại đi, cước phí không minh bạch và lái xe có thể đi lòng vòng để tính thêm tiền cước…
Do vậy, mới đây, sau khi bị Bộ GTVT từ chối đề xuất dừng thí điểm Uber và Grab, các hãng taxi ở Hà Nội đã lần lượt dán các bảng hiệu phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm Uber, Grab, cũng như thể hiện sự bất bình của mình trong thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước của taxi công nghệ với taxi truyền thống.
Vũ Đậu (T/h)