(ĐSPL) – "Tôi không nghĩ sau gương mặt thư sinh, sáng sủa Nghĩa lại có thể có hành động giết người yêu, chặt xác dã man đến thế", Luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho tử tù Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.
Trước thông tin Hội đồng thi hành án (TAND Tối cao) tiến hành thi hành án tử hình tiêm thuốc độc đối với phạm nhân Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, trú tại quận Kiến An, TP Hải Phòng) vào chiều ngày 22/7, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh – người được chỉ định bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa tỏ ra khá bất ngờ.
Bởi sau khi TAND Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình cho Nguyễn Văn Nghĩa với tội danh giết người và cướp tài sản, trong thời gian Nghĩa bị giam tại Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội, Luật sư Nguyễn Anh Thơm có đến thăm nhưng không hề biết đến thời gian tiến hành thi hành án tử hình với Nghĩa vào ngày 22/7.
Con người đối lập của Nguyễn Đức Nghĩa
Là Luật sư theo sát vụ án từ những ngày đầu tiến hành điều tra, xét xử 2 phiên sơ thẩm, phúc thẩm cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật và hình phạt được thi hành án, Luật sư Nguyễn Anh Thơm có nhiều điều trăn trở, đau xót cho số phận Nguyễn Đức Nghĩa cũng như gia đình của tử tù.
Nhắc lại những kỷ niệm về những ngày theo sát vụ án, Luật sư Anh Thơm luôn ám ảnh hình ảnh con người Nguyễn Đức Nghĩa - cậu thanh niên có học hành nhưng lại gây ra sự việc gây phẫn nộ dư luận, tình cảm của gia đình và bà con làng xóm của Nghĩa trong thời gian xét xử vụ án.
Ban đầu, khi được Tòa chỉ định làm Luật sư bào chữa cho bị can Nguyễn Đức Nghĩa, Luật sư Thơm nghĩ đây là vụ án giết người thông thường như những vụ đã từng nhận bào chữa trước đó. Tuy nhiên, khi cơ quan công an tiến hành điều tra làm rõ hành vi manh động, tàn ác mà hung thủ này gây ra cho nạn nhân Nguyễn Phương Linh (SN 1984, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì dư luận mới thực sự phẫn nộ và quan tâm đến hung thủ, nhân thân và bạn bè.
Chính bởi sự phẫn nộ, lên án của dư luận, Luật sư Thơm cũng không tránh khỏi những sức ép khi tham gia bào chữa cho Nghĩa.
Càng đi sâu vào tình tiết vụ án, Luật sư Nguyễn Anh Thơm càng nhận thấy nhiều điểm đối lập trong con người của tử tù này.
Luật sư Thơm chia sẻ: “Thông thường, những đối tượng gây ra án giết người có nhân thân không tốt, quá khứ nhiều trắc trở nhưng Nguyễn Đức Nghĩa lại ngược lại. Đây là con người có tri thức, theo học tại ngôi trường danh tiếng - Đại học Ngoại thương. Gia đình lương thiện, cần lao, chất phác, bố lại là người theo Đạo Thiên chúa. Tôi không nghĩ sau gương mặt thư sinh, sáng sủa Nghĩa lại có thể có hành động giết người yêu, chặt xác dã man đến thế”.
Nhưng sự trăn trở của Luật sư Thơm không thể so sánh được với nỗi đau, sự suy sụp tinh thần của người cha Nguyễn Văn Hùng khi biết được tin đứa con trai, niềm hy vọng của gia đình gây ra thảm án.
Thông tin Nguyễn Đức Nghĩa không tránh khỏi mức án tử hình cao nhất của pháp luật dù làm mất đi tia hy vọng mong manh của người cha nhưng với trách nhiệm của mình, Luật sư Thơm vẫn phải chia sẻ với ông Hùng.
Người cha hết lòng vì con, trên đường từ Hưng Yên về để chạy vạy vay mượn số tiền 40 triệu nhằm khắc phục hậu quả cho người nhà nạn nhân Linh bị tai nạn giao thông (30/10/2010) khiến Luật sư Thơm bất ngờ và đau xót hơn.
Lúc này, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa với Luật sư Thơm không còn là trách nhiệm khi TAND Hà Nội phân công mà đã trở thành sự trăn trở, dốc lòng để người cha dưới suối vàng của Nghĩa phần nào yên nghỉ.
Trong quá trình tham gia vụ án, Luật sư Thơm cũng có nhiều lần tới nhà ông Nguyễn Văn Ba (bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh) để gửi gắm những lời xin lỗi của Nghĩa cũng như gia đình để vơi đi phần nào nỗi đau mất con của người nhà nạn nhân.
“Khi gặp ông Ba, ông cũng rất chia sẻ với công việc Luật sư, đặt niềm tin vào pháp luật rằng Nguyễn Đức Nghĩa sẽ bị trừng phạt nghiêm minh của pháp luật”, Luật sư Thơm kể lại.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). |
Vì sao sau 4 năm mới thi hành án “sát thủ xác chết không đầu”?Liên quan đến việc Nguyễn Đức Nghĩa từ khi có bản án (2010), 4 năm sau mới được thi hành án bằng tiêm thuốc (22/7/2014), Luật sư Nguyễn Anh Thơm lý giải do vướng mắc trong việc chuyển đổi thi hành án tử hình từ hình thức bắn sang tiêm thuốc độc và đảm bảo việc thi hành án là đúng người, đúng tội.
Theo đó, Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, Việt Nam không còn áp dụng thi hành án (THA) tử hình bắn mà thay vào đó là tiêm thuốc, tạo cho can án thi hành một cái chết nhẹ nhàng, không đau đớn.
Việc chuyển đổi sang hình thức tử hình tiêm thuốc cũng đòi hỏi cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện… khiến quá trình thực hiện còn chậm trễ.
Thêm vào đó, với những vụ án có tính chất phức tạp, nhiều tình tiết như vụ án của Nguyễn Đức Nghĩa, Tòa án cần xem xét liệu sau khi tuyên án có xuất hiện thêm tình tiết mới hay có kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm đảm bảo việc thi hành án là đúng người, đúng tội.
Điểm đáng chú ý, để việc thi hành án tiêm thuốc thể hiện được sự nhân văn, nhân đạo, Tòa cũng muốn trước khi tử hình, tử tù có thời gian để nhận thức được lỗi lầm mà mình gây ra, tâm phục khẩu phục với bản án mà Tòa tuyên.
Mặc dù, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa - “sát thủ xác chết không đầu” đã khép lại, nhưng hành vi man rợ và nỗi đau mà gia đình Nguyễn Đức Nghĩa cũng như nạn nhân Nguyễn Phương Linh phải chịu đựng khi mất đi đứa con, niềm hy vọng của gia đình sẽ còn để lại nhiều dư âm trong dư luận.
“Sát thủ xác chết không đầu” là cụm từ mà nhiều người dùng để gọi Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại tổ 7, phường Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng). Trước đó, ngày 17/5/2010, tại tầng thượng, chung cư G4, khu đô thị Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), người ta phát hiện một xác chết. Rùng rợn hơn khi đầu và 10 ngón tay nạn nhân đã không còn. Hung thủ bị bắt sau 1 ngày điều tra, đó là Nguyễn Đức Nghĩa và nạn nhân là Nguyễn Phương Linh (SN 1984, người yêu cũ của Nghĩa). Trước tòa, Nghĩa khai đã giết, cắt rời phần đầu, chặt hết 10 đầu ngón tay nạn nhân rồi cho vào túi nilon ném xuống một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh. Mục đích giết người của Nghĩa là để cướp tài sản. Tòa đã tuyên án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa. Nhiều năm trôi qua nhưng vụ việc này vẫn được nhắc đến vì mức độ man rợ của Nghĩa. Hành vi của sát thủ này đã phải trả giá. Chiều 22/7/2014, tại Trại giam Hà Nội, Hội đồng thi hành án, TAND Tối cao đã thi hành án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa bằng hình thức tiêm thuốc độc. |