Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tứ trấn Thăng Long dấu ấn kinh kỳ xưa và những điều ít biết: Giai thoại ly kỳ về việc xây thành và điều đặc biệt về vị thần chủ đền Bạch Mã

(DS&PL) -

Đến với phố cổ Hà Nội, nếu không ghé thăm đền Bạch Mã - trấn Đông kinh thành Thăng Long xưa thì quả là một thiếu sót.

Đến với phố cổ Hà Nội, nếu không ghé thăm đền Bạch Mã - trấn Đông kinh thành Thăng Long xưa thì quả là một thiếu sót. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền hơn nghìn năm tuổi này vẫn đứng vững, hiên ngang, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Ngôi đền lâu đời nhất tứ trấn

Chúng tôi tìm đến đền gặp thủ từ Nguyễn Hải Đường (62 tuổi) và được biết, Dự án trùng tu, tôn tạo Di tích đền Bạch Mã, giai đoạn từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010- 2020) vừa cơ bản hoàn thành.

Vị thủ từ đền cho hay: “Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ IX. Đền thờ thần Long Đỗ (rốn rồng), vị thần thành hoàng của kinh thành Thăng Long”.

Theo tư liệu tại đền, trong cuốn sách cổ “Việt điện u linh”, đền Bạch Mã gắn với truyền thuyết về việc xây La Thành của Cao Biền và đắp thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ.

“Tương truyền rằng, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long định đắp thành nhưng nhiều lần đắp lên lại sụp xuống. Vua cho người cầu khấn ở đền Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa vẽ bản đồ xây thành, thành mới đứng vững. Thần được vua Lý Thái Tổ phong làm thành hoàng kinh thành Thăng Long”, theo tư liệu ở đền ghi lại.

Đền Bạch Mã nằm ở số 76 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có lịch sử lâu đời nhất trong tứ trấn.

Chính vì vậy, thần Long Đỗ được phong mỹ tự là Quốc đô định bang Thành Hoàng Đại Vương nghĩa là thành hoàng của kinh thành Thăng Long đứng đầu đất nước. Vị Quốc đô thành hoàng này luôn bảo trợ cho sự bền vững của kinh đô và quốc gia qua hàng thiên niên kỷ.

Tài liệu thư tịch cũng cho biết, đền khởi dựng dưới thời nhà Đường, khi Cao Biền xây La Thành vào năm 866. Sau đó, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010, đền được xây dựng lại.

Đền được dựng ở phía Đông thành sau thành Đông trấn tọa lạc ở địa phận thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong quá trình tồn tại, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần phản ánh khá rõ qua tư liệu văn bia và hoành phi câu đối tại đền.

Ông thủ từ đền cho hay: “Trong đền, hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý: 18 bia đá cổ, 17 đạo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, nhiều đồ thờ tự quý khác. Tuy nhiên, do đền đang trong quá trình tu sửa nên những di vật quý được bố trí cất giữ cẩn thận”. Đặc biệt, hiện nay, bên trong ngôi đền vẫn còn lưu giữ tượng ngựa trắng. Đây trở thành biểu tượng linh thiêng của ngôi đền.

Kiến trúc đặc sắc

Theo lời của ông thủ từ, trải qua những năm tháng chiến tranh đền vẫn nguyên vẹn không bị hư hại vì bom đạn. Đền mở cửa theo hướng Nam, từ trước đến sau gồm: Phương Môn, Phương Đình, Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung.

Các hạng mục này được bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín. Du khách vào phương đình sẽ thấy bên trái có một am nhỏ với khám thờ tượng Quan Âm, bên phải có bức phù điêu Long Vân và hòn non bộ, còn trước mặt là tòa đại bái 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn. Chính điện thờ tượng Bạch Mã, đầu hồi thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Trong cung cấm có khám thờ thần Long Đỗ, màn gấm che gần kín, hai bên bày lỗ bộ và ngai kiệu.

Trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý.

Theo phát biểu của giáo sư Đinh Khắc Thuân (viện Nghiên cứu Hán Nôm) tại buổi tọa đàm khoa học “Giá trị Di sản Văn hóa đền Bạch Mã”: Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc đền Bạch Mã chính là hệ thống mái hình vỏ cua (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tăng thêm không gian cho di tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thủ từ của đền cho hay: “Hàng năm, đền thường tổ chức lễ hội vào ngày 12, 13 tháng 2 Âm lịch và thường năm chẵn do quận tổ chức, năm lẻ do phường tổ chức. Lễ hội thường có đoàn rước kiệu mặc những bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc lộng lẫy. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa đông qua và đón mùa xuân mới, mong sao cho mùa màng bội thu, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc”.

Với hơn 1.000 năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di sản tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia năm 1986.

Trong không gian linh thiêng của đền Bạch Mã, giữa những nhộn nhịp của đất Hà thành, dường như đền Bạch Mã đã trở thành vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt vốn có của phố cổ, trở thành điểm đặc sắc chỉ riêng ở phố cổ mới có. Đó không chỉ là nơi con người tìm về với vẻ đẹp yên bình mà còn hiểu biết thêm về những ý nghĩa linh thiêng và tôn nghiêm trong nét đẹp văn hóa dân tộc.

Phong Linh - Hữu Thắng

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (197)

Tin nổi bật