Báo Dân Trí thông tin, việc điều chỉnh lương hưu hiện hành theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014 được thực hiện dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thay thế Luật BHXH năm 2014, việc điều chỉnh lương hưu sẽ có thêm nhiều quyền lợi mới cho người nhận.
Chính sách điều chỉnh lương hưu mới từ ngày 1/7/2025. Ảnh minh hoạ
Theo Điều 67 Luật BHXH năm 2024, việc điều chỉnh lương hưu sẽ dựa trên hai căn cứ thay vì chỉ một như trước đây.
Căn cứ thứ nhất là điều chỉnh lương hưu dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng tài chính của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Căn cứ thứ hai là điều chỉnh tăng hợp lý cho những người có lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa các thời kỳ.
Dựa trên hai căn cứ này, Chính phủ sẽ xác định thời điểm, đối tượng và mức điều chỉnh lương hưu cụ thể.
Với người tham gia BHXH tự nguyện, việc điều chỉnh lương hưu cũng sẽ áp dụng theo Điều 67 Luật BHXH năm 2024, tức là dựa trên hai căn cứ nêu trên để đảm bảo quyền lợi cho người hưởng lương hưu.
Đối với trường hợp nghỉ lương hưu trước ngày 1/1/1995 khi đã tăng lương hưu 15%, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì sẽ tiếp tục được tăng lần 2.
Tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định trường hợp người đang hưởng lương hưu hằng tháng khi tăng lương hưu lên thêm 15%, có mức hưởng vẫn thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng, thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
- Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng, báo Lao Động thông tin.