2 bé sơ sinh bị bỏ rơi trong một ngày ở Phú Yên
Theo báo VTC New, chiều 3/1, lãnh đạo huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, đang làm thủ tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên cho bé gái sơ sinh vừa phát hiện trên địa bàn.
Nguồn tin cho hay, lúc 11h30 cùng ngày, người dân đi làm rẫy thì nghe tiếng khóc trẻ nhỏ trong rừng keo tại thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa. Khi đến kiểm tra, người dân phát hiện một bé gái sơ sinh, trên người quấn khăn. Cơ thể bé tím tái, máu còn dính trên thân thể, bị kiến bu đầy người.
Sau khi quấn khăn ủ ấm và sơ cứu cho bé, người dân báo chính quyền địa phương, đồng thời đưa bé về Trạm y tế xã để cấp cứu.
"Trung tâm y tế làm thủ tục để chuyển cháu xuống bệnh viện tỉnh điều trị, do tình trạng sức khỏe yếu", lãnh đạo huyện Sơn Hòa chia sẻ trên báo Dân Trí.
Trong khi đó, bà Hờ Tem, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Hội cho biết, địa phương cũng như nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp mua sữa, bỉm và các đồ dùng cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho bé.
"Cân nặng của cháu chỉ 2,2kg. Hiện bé bú yếu, nhiều vùng da bị tổn thương nặng do kiến cắn", bà Hờ Tem thông tin.
Bé sơ sinh bị bỏ rơi ở Phú Yên. Ảnh: CAND
Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, người dân cũng phát hiện một bé trai gần 1 tháng tuổi, nặng khoảng 4,8kg, bị bỏ rơi bên đường ở Phú Yên kèm tờ giấy nhắn nhủ được cho là của người mẹ. Báo VietNamNet thông tin, rạng sáng 3/1, bà Võ Thị Kim Phượng (51 tuổi) phát hiện bên đường ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) có chiếc nôi màu trắng. Bên trong nôi có một bé trai gần 1 tháng tuổi, được quấn bằng khăn vải màu xanh, nặng khoảng 4,8kg.
Bên cạnh chiếc nôi là giỏ nhựa đựng quần áo, tã lót, sữa và tờ giấy được cho là của mẹ bé để lại. Nội dung bức thư viết tay thể hiện bé trai sinh ngày 7/12/2023, do hoàn cảnh khó khăn nên người mẹ không thể chăm sóc con, nhờ người khác nuôi dưỡng giúp.
Các lực lượng công an, hội phụ nữ và trạm y tế của xã Xuân Quang 3 đã ghi nhận sự việc, trực tiếp đến nơi kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho cháu bé.
Gặp bé sơ sinh bị bỏ rơi cần làm gì?
Theo báo Dân Trí, quy định của pháp luật, khi phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người phát hiện phải bảo vệ đứa trẻ đồng thời báo ngay cho UBND phường, xã, thị trấn (gọi tắt là UBND xã), nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản. Sau đó, UBND xã sẽ tổ chức nuôi dưỡng trẻ và thông báo tìm thân nhân trẻ bị bỏ rơi. Nếu thân nhân không đến nhận, UBND xã sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh, tìm nơi nuôi dưỡng trẻ.
Trong trường hợp cùng lúc có nhiều người đến UBND xã xin nhận nuôi trẻ, UBND xã sẽ xem xét điều kiện của những người nhận nuôi.
Theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Nếu cùng lúc có nhiều người đủ điều kiện nhận nuôi và có mong muốn được nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, UBND xã sẽ xem xét theo thứ tự ưu tiên, ai có thứ tự xếp trước thì được ưu tiên nhận nuôi trẻ. Theo Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế để nhận nuôi trẻ là: hàng thứ nhất là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; hàng thứ hai là công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; hàng thứ ba là người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; hàng thứ tư là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; hàng thứ năm là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Trong trường hợp nhiều người đủ điều kiện nhận nuôi và cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì UBND xã xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
Bỏ rơi con mới sinh, người mẹ có bị xử lý không?
Báo Thanh Niên đưa tin, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TP.HCM) cho biết, trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ của gia đình, xã hội. Mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi của người mẹ sinh con ra nhưng không nuôi dưỡng mà bỏ con ở những nơi nguy hiểm như hố ga, bãi rác… Đây là hành vi nghiêm trọng, đáng bị lên án.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam
Luật sư Nữ cho rằng, tại khoản 1 Điều 4 luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định “bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 6 luật này là “bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em”.
Đồng thời cả cha và mẹ phải có nghĩa vụ “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, theo khoản 2 Điều 69 luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
“Nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ (người thân trong gia đình) bỏ hoặc không nuôi dưỡng con sau khi sinh; cố ý bỏ rơi trẻ em ở những nơi công cộng… sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 – 15 triệu đồng theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, những người vi phạm còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật để khắc phục hậu quả”, luật sư Nữ cho biết.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Thục (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, cha, mẹ hoặc người giám hộ (người thân trong gia đình) nhẫn tâm vứt bỏ trẻ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi vứt bỏ trẻ gây ra thương tích cho trẻ thì sẽ bị truy tố về tội "cố ý gây thương tích" theo Điều 134 bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Nghiêm trọng hơn, nếu người mẹ vứt bỏ con mình trong trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt; trẻ trong 7 ngày tuổi; hậu quả là đứa trẻ đó chết thì sẽ bị truy tố về tội “giết hoặc vứt con mới đẻ”. Theo khoản 2 Điều 124 BLHS, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đối với trường hợp trẻ đã qua 7 ngày tuổi; người mẹ không bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt, nhưng đứa trẻ chết do có hành vi vứt bỏ con của người mẹ, thì tùy vào tích chất, mức độ người mẹ có thể bị truy tố về tội “giết người” theo Điều 123 BLHS có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
“Trong trường hợp, người cha, người giám hộ (người thân trong gia đình) vứt bỏ trẻ sơ sinh một cách tàn nhẫn, trong điều kiện thời tiết xấu, ở nơi nguy hiểm. Nếu họ biết trước hành động này có thể sẽ dẫn đến cái chết cho đứa trẻ nhưng vẫn thực hiện, sẽ bị truy tố về tội “giết người” theo điều 123 BLHS. Còn trong trường hợp họ biết nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra vì nghĩ rằng đứa trẻ sẽ được một ai đó tìm thấy thì có thể bị truy tố về tội “vô ý làm chết người” theo Điều 128 BLHS”, luật sư Thục cho biết thêm.
XEM THÊM: Xót xa 2 bé gái song sinh bị bỏ rơi trong đêm lạnh cùng lời nhắn gửi "tuổi trẻ bồng bột..."
Cần sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình
Trước hàng loạt các vụ bỏ con mới sinh liên tiếp xảy ra khiến dư luận vô cùng bức xúc và bất bình, luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội khuyến cáo, để làm giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì cần phải thực hiện các giải pháp, phối hợp từ phía cơ quan chức năng, gia đình và bản thân những người trẻ.
Thứ nhất, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người. Cha mẹ phải là những người thầy đầu tiên của con, phải lắng nghe, nhận thấy những thay đổi bất thường của con để sớm đưa ra giải pháp phù hợp, phải nâng cao kiến thức vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản cho các con.
Phần lớn các vụ việc đau lòng xảy ra là do cha mẹ các em không quan tâm nhiều đến con cái, tâm lý sợ mang đến tai tiếng cho gia đình, áp đặt những suy nghĩ cổ hủ lên con cái. Từ đó, khi xảy ra sự việc, con không biết chia sẻ và khi bố mẹ biết thì mọi chuyện đã quá muộn.
Thứ hai, đối với các bạn trẻ, phải biết trân trọng thân thể, nhân phẩm của mình, nâng niu sự sống, sinh mạng và sống có trách nhiệm, trách nhiệm với chính bản thân mình, trách nhiệm với đứa con mình sẽ sinh ra.
Trách nhiệm ở đây là biết từ chối quan hệ tình dục khi chưa đủ năng lực, từ chối lối sống buông thả và tăng khả năng chịu trách nhiệm; chỉ quan hệ tình dục khi có biện pháp an toàn cũng như sẵn sàng cho những tình huống ngoài ý muốn…
Thứ ba, để hạn chế tình trạng trên, cần sự vào cuộc của các đoàn thể, các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là thanh thiếu niên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường trong việc giáo dục pháp luật cho các em, báo Dân Trí đưa tin.
Hoàng Yên (T/h)