Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TS Lê Đăng Doanh: Căng thẳng ở Biển Đông là cơ hội cho Việt Nam

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Sau những căng thẳng đã và đang diễn ra trên Biển Đông, kinh tế VN cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để VN tạo thế cân bằng với TQ.

(ĐSPL) – Sau những căng thẳng đã và đang diễn ra trên Biển Đông, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam tạo thế cân bằng với Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng đã khẳng định như trên khi phân tích về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế sau sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương.

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng thì nền kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì tình hình kinh tế của Việt Nam đã có chịu tác đông ở những mức độ khác nhau.

Trước hết là có vụ các đối tượng gây rối lợi dụng tình hình phức tạp để đập phá ở một số địa phương, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đài Loan, mà những doanh nghiệp Đài Loan ấy chính là những doanh nghiệp làm linh kiện và các đồ phụ trợ cho các sản phẩm khác, vì thế nên khi các doanh nghiệp này bị đập phá thì các doanh nghiệp khác cũng chịu tác động, điều này có thể là ảnh hưởng đến xuất khẩu máy móc, hàng điện tử…

Sau đó, Trung Quốc cũng đã cho rút về nước 18.000 công nhân, điều này khiến các dự án của Trung Quốc đang thực hiện tại Việt Nam có thể bị ngưng trệ.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao thương với Trung Quốc bây giờ có các dấu hiệu bị hạn chế. Ví dụ như Trung Quốc không nhập khẩu vải thiều hay hoa hồi từ Việt Nam, làm một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta gặp khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn nhập than, khoáng sản và gạo của Việt Nam.

Cũng do tình hình căng thẳng trên Biển Đông mà lượng khách du lịch của Trung Quốc sang Việt Nam cũng giảm đi đáng kể, làm ảnh hưởng đến doanh thu của ngành du lịch, khách sạn của Việt Nam nói chung, đặc biệt là của Quảng Ninh và Đà Nẵng, là 2 địa phương có nhiều du khách Trung Quốc đến thăm.

Ngoài ra, về vận tải hàng không ở Việt Nam cũng phần nào bị tác động, khách đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế.

Về phía Việt Nam phát sinh thêm một khoản đầu tư khi phải chi thêm tiền vào an ninh trên biển, bảo vệ và hỗ trợ ngư dân.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế của Việt Nam bị phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, theo ông thì mức độ đó đến đâu?

Theo thông lệ quốc tế, một nước không nên phụ thuộc vào nền nhập khẩu của nước khác, hay xuất khẩu sang thị trường nước khác quá 8\%. Nếu như một nước nào đó lại có tỷ trọng xuất khẩu sang nước kia trên 8\% thị trường của nước ấy thì rất có thể sẽ bị nước này sẽ gây ức ép.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, nếu một nước chiếm quá 10-11\% thị phần của nước khác thì còn có nguy cơ bị nước đó kiện về việc làm lũng đoạn thị trường hoặc chiếm lĩnh thị phần quá lớn.

Đối với trường hợp cụ thể của Việt Nam, hiện nay Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ bằng 12\% tổng số xuất của Việt Nam, kể cả phần xuất khẩu lậu. Nhưng theo con số thống kê của Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam kể cả phần xuất khẩu lậu cao hơn con số của Việt Nam khoảng 5,2 tỷ đô la. Và về tỉ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc thì khoảng 31-32\% tổng số nhập của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, tỉ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc là khá lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay cũng nhập khẩu 45\% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo thì mình gặp có thể gặp khó khăn, nhưng ngừng nhập thì cũng đồng nghĩa với việc 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của nước này sẽ bị thiếu gạo ăn, vì vậy mà 3 tỉnh này luôn bày tỏ thẳng thắn với Việt Nam là rất thiện chí trong việc tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Từ đó, có thể suy ra, Việt Nam có phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng có phần phụ thuộc vào chúng ta.

Trên thực tế, trong các dự án EPC thì có đến 90\% các nhà thầu của Trung Quốc thắng thầu, vì vậy, bây giờ chúng ta cần phải thay đổi các gói thầu, dành cho các doanh nghiệp trong nước hay các khu vực khác tham gia đấu thầu ở Việt Nam.

Việc Trung Quốc cấm các doanh nghiệp nhà nước của nước này tham gia đấu thầu vào các dự án mới tại Việt Nam có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của Việt Nam hay không, thưa ông?

Động thái này của Trung Quốc cho thấy chính phủ Trung Quốc đang muốn sử dụng sức mạnh để gây sức ép cho Việt Nam về kinh tế. Đúng là nếu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ngưng đấu thầu tại Việt Nam, kèm theo một số động thái trừng phạt kinh tế khác thì trước mắt sẽ gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Nhưng nếu nhìn nhận một cách sâu xa, đây lại là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp của chúng ta chiếm lĩnh và làm giàu từ chính thị trường của mình.

Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, nếu Trung Quốc cấm các doanh nghiệp nhà nước của họ tham gia đầu tư vào các dự án mới của Việt Nam thì người bị thiệt trước tiên sẽ chính là Trung Quốc, bởi mối quan hệ làm ăn với Việt Nam là trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Việt Nam cũng có rất nhiều đối tác khác chứ không riêng Trung Quốc, mà các nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh, đủ lớn để thực hiện các dự án hiện nay, với trình độ công nghệ ngang bằng các nước, nên động thái này của Trung Quốc không hề ảnh hưởng gì đến chúng ta.

Thực tế cho thấy, khi căng thẳng xảy ra trên Biển Đông, việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị chững lại. Có ý kiến cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam bớt phụ thuộc vào Trung Quốc? Ông có đồng tình với nhận định này?

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Theo tôi, sau những căng thẳng đã và đang diễn ra trên Biển Đông, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam tạo thế cân bằng với Trung Quốc.

Trong mối quan hệ kinh tế giữa hai bên thì mỗi bên cần có “con át chủ bài”. Nếu bây giờ chỉ phụ thuộc một phía vào nước khác thì nước đó sẽ “ăn thịt” mình ngay. Kinh nghiệm là không thể nào bỏ tất cả trứng vào một giỏ, tức là không thể nào phụ thuộc quá nhiều vào một bên.

Bởi vậy, Việt  Nam luôn hướng đến một mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, cạnh tranh công bằng và hai bên cùng có lợi.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế của chúng ta, tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam tạo thế cân bằng với Trung Quốc.

Lĩnh vực đấu thầu EPC, BOT và cung cấp thiết bị ở một số ngành quan trọng như điện, thông tin viễn thông và một số ngành kinh tế khác, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn, nhiều dự án chất lượng công nghệ không cao, chi phí đầu tư thường tăng lên so với ban đầu, thời gian hoàn thành kéo dài... Vậy theo ông, trong lúc này, chúng ta cần có những hành động cụ thể nào để sớm điều chỉnh được việc này?

Có một thực tế là trong các dự án EPC thì có đến 90\% các nhà thầu của Trung Quốc thắng thầu, vì vậy, bây giờ chúng ta cần phải thay đổi các gói thầu, dành cho các doanh nghiệp trong nước hay các khu vực khác tham gia đấu thầu ở Việt Nam.

Cùng với đó là phải đa dạng hóa thị trường, phải tăng cường nội lực của mình, tăng cường hàm lượng nội địa, mời đầu tư nước ngoài đến xây dựng những cơ sở mà mình vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, chúng ta phải làm sao để phát triển kinh tế mạnh lên, nâng cao tốc độ phát triển, chuyển đổi mô hình, cải các cách lĩnh vực, kinh tế có vững mạnh mới có thể thoát sự lệ thuộc.

Xin cảm ơn ông!

Tin nổi bật