“Đội ngũ CBGV chính là điểm chốt của chất lượng giáo dục đại học Việt nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Người thầy không đi trước đón đầu; không thoát ra khỏi lối mòn “thầy đọc, trò chép”; không thay đổi những nhận thức cũ kỹ, lạc hậu bằng kiến thức phù hợp thực tiễn cuộc sống hiện tại sẽ chỉ đem đến cho sinh viên sự nhàm chán, kìm hãm sự phát triển của sinh viên… ” TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam nhận định.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực ngành nghề của xã hội, trong đó có giáo dục đại học. Để hiểu hơn về cơ hội cũng như thách thức, đặc biệt là sự ứng dụng và thay đổi của các trường đại học thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam xung quanh vấn đề này.
TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam |
Người ta đang “mổ xẻ” 4.0 như một phong trào
Thưa TS. Lê Đắc Sơn! Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem đến rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho giáo dục đại học. Theo ông, giáo dục đại học nên đón nhận cuộc cách mạng này như thế nào để vừa không bị “sốc nhiệt”, vừa ứng dụng hiệu quả nhất những thành tựu của 4.0?
Thực ra, không có tổ chức nào phát động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Người ta chỉ định nghĩa và tổ chức các cuộc hội thảo để nhận diện rõ hơn chúng ta đang sống thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chỉ rõ sự phát triển nhanh chóng về khoa học kỹ thuật và công nghệ, dự báo sự bùng nổ của các ngành khoa học như vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ thông tin… để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch chiến lược.
Thời gian gần đây, tôi thấy cách mạng công nghiệp 4.0 được mang ra bàn bạc và mổ xẻ như một “phong trào”. Thực ra bàn cũng được, tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ rằng, chỉ có những người quan tâm thực sự mới tìm hiểu thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0. Đa số người dân không tìm hiểu 4.0 là gì. Với họ, cơm áo gạo tiền, những cái tác nghiệp hàng ngày, những cái phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại mới là điều quan tâm nhất, dù đó 2.0;3.0; hay 4.0.
Giáo dục đại học cũng vậy. Các trường không chờ đến khi xã hội hô hào, thúc giục mới nghĩ đến 4.0 mà đó là những cái đang hiển hiện, là những thay đổi và chuyển mình từng ngày, từng giờ các trường đã, đang và sẽ làm để nâng cao chất lượng đào tạo. Cách mạng gì thì cách mạng, cuộc sống thực tế đang diễn ra như thế nào thì chúng ta đón nhận, hòa nhập và thay đổi như thế đó. Đừng đợi đến khi xã hội hô hào mới thay đổi.
Trường ĐH Đại Nam nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường. |
Cách mạng 4.0 bùng nổ, đào tạo trực tuyến sẽ “soán ngôi”
- Có nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục 4.0, xu hướng đào tạo trực tuyến sẽ lên ngôi, người học được toàn quyền quyết định, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Cách đây 20 năm, khi ngồi bàn về giáo dục trực tuyến, người ta hoang mang lắm, thấy giáo dục trực tuyến là cái gì đó kỳ bí, ghê gớm và thật xa xỉ. Quan điểm thầy đọc, trò chép; học là phải lên lớp nghe giảng; tối về nghiên cứu giáo trình là kế tiếp của nền giáo dục cũ và lạc hậu. Trong thời đại công nghệ 4.0 quan điểm và xu hướng giáo dục ấy sẽ không thể tồn tại.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc học của sinh viên sẽ không bị giới hạn về không gian và thời gian. Các em có thể học ở mọi lúc, mọi nơi; có thể ngồi nhà không cần lên lớp, không cần có sách giáo trình in ra giấy, không cần có thầy cô giáo kè kè bên cạnh nhưng cũng có thể tiếp cận được tất cả các tài liệu, kiến thức thông qua internet. Các bài giảng của thầy, sinh viên có thể tra cứu và học bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu chỉ bằng 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.
Nếu như online là hình thức để học và hiểu thì diễn đàn học tập là công cụ để sinh viên ôn tập, hệ thống lại kiến thức, trao đổi trực tiếp với thầy giáo và bạn học để hiểu sâu sát thêm từng vấn đề. Các Đại học tiên tiến đã thực hiện điều này cả hàng mấy chục năm trước, ở Việt Nam, các trường đại học phần lớn chỉ đang hướng tới… Trong tương lai gần, sẽ có rất nhiều môn học, sinh viên không cần phải lên lớp.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc học của sinh viên sẽ không bị giới hạn về không gian và thời gian. |
- Khi hình thức đào tạo trực tuyến chiếm lĩnh, các trường đại học có gặp khó khăn trong việc quản lý chất lượng đào tạo không, thưa ông?
Với hình thức đào tạo trực tuyến, sinh viên muốn học kiểu nào cũng được, có thể là online hoặc offline, học bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, thậm chí việc học ai cũng không còn là chuyện đáng để bàn luận nữa. Theo tôi, chỉ cần các trường tổ chức được các cuộc thi không ai có thể thi hộ được, các em vượt qua được các kỳ thi một cách thực chất, đó là cách quản lý và kiểm soát chất lượng tối ưu nhất.
Chiếc ÁO không làm nên THẦY TU
- Ông đánh giá như thế nào về chương trình đào tạo, cách thức dạy và học trong các trường đại học hiện nay?
Chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam hiện đang áp dụng ở phần lớn các trường đại học rất lạc hậu. So với nhu cầu kiến thức mà người học cần có để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng thì trường đại học cung cấp rất hạn chế. Vì thế, số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm theo chuyên môn được đào tạo còn thấp, thậm chí thất nghiệp. Chương trình đào tạo đại học nước ta hiện nay nói vui là 70% là 2.0, 30% là 3.0 vẫn đang phải ì ạch để hoàn thành.
Cách dạy và học cũng vậy. Chúng ta vẫn chưa “thoát” ra khỏi phương thức dạy học truyền thống “thầy đọc, trò chép” và quan điểm “người thầy là trung tâm”. Trình độ và phương pháp giảng dạy của giảng viên lạc hậu, không truyền được cảm hứng cho người học, kết quả là chất lượng đầu ra chưa đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng. Nhiều thầy cô than thở “ sinh viên bây giờ lười học”, có nên trả lời các thầy cô đó rằng “ sinh viên không muốn nghe những kiến thức lạc hậu và cách dạy quá nhàm chán của các thầy không?”. Tôi nghĩ rằng, với cách dạy cũ thì sinh viên đang bị chính thầy cô của mình kìm hãm. Thầy cô chính là điểm chốt của chất lượng giáo dục đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Vậy, chúng ta cần làm gì để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng viên, thưa ông?
Đấy là một bài toán khó. Có một thực tế ai cũng nhìn thấy, đó là giảng viên chưa được gắn với một trách nhiệm cụ thể nào trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Họ chỉ biết họ được phân công giảng dạy môn học này, các trường đại học vẫn đang chấp nhận họ, họ vẫn đang được ăn lương, họ không có nhu cầu “cải biến” lên, chưa nói đến chuyện muốn cải biến lên cũng không được.
Đội ngũ CBGV chính là điểm chốt của chất lượng giáo dục đại học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 |
Nhiều người đưa giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học bằng cách đầu tư tiền để mua chương trình đào tạo nước ngoài. Xin thưa rằng, mua chương trình đào tạo nước ngoài chẳng có khó khăn gì, vấn đề mấu chốt ở đây là đội ngũ giảng viên đủ trình độ dạy các chương trình ấy ở đâu ra? Hàng trăm nghìn giảng viên các trường đại học của nước ta thì bao nhiêu % giảng viên dạy được chương trình tiên tiến? Chương trình tốt nhưng không có đủ người giảng dạy tốt thì cũng vô nghĩa. Vậy làm thế nào để cải cách?
Chiếc áo không làm nên thầy tu. Các Thầy không đi trước đón đầu thì đừng mong cách mạng 4.0 thành công. Phải nhanh chóng cập nhật kiến thức nếu muốn làm thầy giáo giỏi. Hãy gạt bỏ ngay cái tư tưởng “thầy là trung tâm”; đừng bao giờ tự ảo tưởng và bằng lòng về những kiến thức, kỹ năng mình đang có bởi thế giới đang thay đổi từng giây, từng phút; đừng để bản thân đứng ngoài trách nhiệm của tập thể… Kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng mềm là những thứ người thầy trong thời đại 4.0 phải có.
Nhưng, làm sao để có đông đảo đội ngũ giảng viên 4.0? Lại phải quay lại vấn đề đầu tiên là “ Tiền”. Tiền lương cao cho đội ngũ giảng viên đại học sẽ thu hút được nhiều người giỏi đi làm nghề này. Ngân sách nhà nước có đủ để làm điều này không? Theo tôi là đủ, nhưng do cách thức vận hành hệ thống giáo dục quốc dân của ta chưa thoát ra được cuộc cách mạng 2.0 nên ngân sách cho giáo dục luôn thiếu. Phải có cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục thì mới có sự thay đổi, nếu ngân sách giáo dục chi cho giáo dục phổ thông như là phúc lợi để toàn dân được hưởng, còn giáo dục đại học là sự đầu tư của người học thì bài toán về tiền sẽ được giải quyết khi ngân sách quốc gia có hạn. Không giải quyết được thu nhập đủ ở mức độ khá so với xã hội đối với đội ngũ làm nghề dạy học thì tất cả những lời kêu gọi sẽ chỉ là những cơn sóng nhất thời.
Cơ hội và thách thức của ĐH Đại Nam trong kỷ nguyên 4.0
- Với tư cách là người đứng đầu trường, ông có thể chia sẻ đôi điều về chiến lược phát triển của Trường ĐH Đại Nam trong cuộc cách mạng số này?
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Đại Nam đã thay đổi chương trình đào tạo theo hướng phù hợp và hiện đại. Đầu năm học mới nào chúng tôi cũng tiến hành rà soát lại chương trình đào tạo. Theo đó, những môn học cơ sở nào không cần thiết sẽ được lược bớt hoặc loại bỏ.
Ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng mềm là những kỹ năng sinh viên cần phải được trang bị tốt ngay từ khi ngồi trên giảng đường. Trường ĐH Đại Nam đang làm và rất nỗ lực làm để chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Trường ĐH Đại Nam đặc biệt chú trọng đến đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. |
Hiện tại, Trường ĐH Đại Nam đang tổ chức học trực tuyến một số môn học. Theo đó, sinh viên có thể tra cứu và nghe các bài giảng trên youtube. Có vấn đề gì không hiểu, sinh viên có thể hỏi và được thầy cô giải đáp trên diễn đàn.
Trong 7 nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà trường trong chiến lược hoạt động tới 2025 thì nhiệm vụ kiện toàn và hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất là đặc biệt ưu tiên. Triển khai xây dựng quần thể trường học tại Quận Hà đông, Hà nội với 3 tòa nhà 15 tầng hiện đại. Mục tiêu đến kỷ niệm 15 năm thành lập trường (14/11/2022) phải khánh thành quần thể trường học hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Toàn bộ trang bị của trường theo xu hướng quản lý hiện đại từ thư viện cho đến giảng đường.
- ĐH Đại Nam đã bước sang tuổi 11, đến thời điểm này, điều gì khiến ông tự hào và yên tâm nhất về trường?
Tôi rất vui vì số lượng sinh viên ngày càng tăng, trên 90% viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành.
Tỷ lệ sinh viên ĐH Đại Nam tốt nghiệp có việc đúng chuyên ngành làm đạt trên 90% |
Trường đã vượt qua được rào cản, sức ép, định kiến của trường ngoài công lập; những sinh viên tưởng chừng không bao giờ học được đại học, không bao giờ tìm kiếm được công ăn việc làm với trình độ đại học thì sau 4 năm học tập tại Đại Nam đã thay đổi được cuộc đời. Đó là nỗ lực rất lớn và là thành quả đáng tự hào của Nhà trường.
Nhà trường đang nỗ lực từng ngày để xây dựng nền tảng cốt lõi của một trường đại học hiện đại: trước hết là đội ngũ giảng viên tâm huyết, giỏi chuyên môn, gắn bó, hiểu nhà trường; sau là tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi của chính mình, không phải đi thuê mướn; Đây là những nền tảng để Đại Nam tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu của mình.
Tư duy của đội ngũ lãnh đạo rất nhạy bén, luôn thay đổi kịp thời với những thay đổi của xã hội. Tôi là thế hệ cũ nhưng tuyệt đối không bảo thủ, luôn cập nhật những xu hướng phát triển của xã hội, cập nhật công nghệ thông tin. Cái gì làm tốt cho người học dù là nhỏ nhất , tôi sẽ làm ngay.
Lúc khó khăn nhất, đã vượt qua để phát triển thì trong tương lai không được chủ quan. Muốn phát triển lâu dài thì phải liên tục thay đổi. Khẩu hiệu “ học để thay đổi” là kim chỉ nang cho hoạt động của chúng tôi.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của TS!
Thu Hòe (thực hiện)