VTC News cho biết, theo Điều 34 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi tốt nghiệp. Nếu đạt yêu cầu, học sinh được hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp.
Nếu học sinh không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu, hiệu trưởng nhà trường vẫn cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Quy định này áp dụng tương tự với giáo dục thường xuyên.
Được biết, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Nếu học sinh không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu, hiệu trưởng nhà trường vẫn cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh minh họa
Liên quan đến chính sách về thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao cho hiệu trưởng trường THCS xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình THCS, theo báo Dân Trí.
Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, các chính sách mới này có tác động tích cực và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc "nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng".
Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc cao hơn.
Việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học, giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ đối với người học và gia đình người học.
Tương tự, việc giao hiệu trưởng trường THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT góp phần tăng tính tự chủ, chủ động của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Các trường không còn phải thực hiện các thủ tục để trình Sở GD&ĐT thực hiện việc cấp bằng tốt nghiệp, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Quy định này cũng sẽ tác động tích cực đến ngân sách nhà nước khi giảm bớt được chi phí liên quan đến việc in ấn, cấp phát, quản lý bằng tốt nghiệp.